.

Vì lợi ích dân tộc

Cả nước Nhật đang gồng mình chống chọi với sự cố nhà máy hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 sau thảm họa kép động đất và sóng thần hôm 11-3 làm cho gần 30 ngàn người chết và mất tích. Thảm họa không chỉ tác động đến tình cảm của công chúng mà ngay các đảng chính trị của nước này cũng đã bớt chống đối nhau để hướng tới công việc khắc phục hậu quả, xây dựng lại những thành phố, làng mạc bị sóng thần cuốn trôi.

Động thái đã xuất hiện khi Đảng Dân chủ tự do (LDP), đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản, đang cân nhắc khả năng gia nhập chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền theo đề nghị của Thủ tướng Naoto Kan.

Hôm 31-3, Tổng Thư ký DPJ Katsuya Okada cũng đã bày tỏ hy vọng các đảng đối lập, trong đó có LDP, sẽ gia nhập liên minh cầm quyền mới. Sau khi Chủ tịch LDP Sadakazu Tanigaki bác bỏ lời mời gia nhập nội các của Thủ tướng Kan hôm 19-3, một số nghị sĩ của DPJ vẫn tiếp tục đề nghị các thành viên của LDP gia nhập chính phủ liên minh. Bên cạnh đó, những người ủng hộ LDP đã thúc giục các nghị sĩ của đảng đối lập này hợp tác với chính quyền Kan. Vì vậy, kể từ hôm 30-3, Chủ tịch Tanigaki đã xem xét lại lời đề nghị của Thủ tướng Kan sau khi có các cuộc gặp với những người tiền nhiệm và một số cựu Thủ tướng như Yoshiro Mori và Shinzo Abe. Ông Tanigaki cho biết có rất nhiều ý kiến trong nội bộ LDP. Đảng đối lập “đang cân nhắc vấn đề này từ các quan điểm khác nhau”.

Đáng chú ý, Chủ tịch LDP  Tanigaki ngày 4-4 cho rằng, Thủ tướng Naoto Kan không nên giải tán Hạ viện để tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn trong thời điểm hiện nay. Phát biểu sau cuộc gặp với cựu Thủ tướng Yasuhiro Nakasone, ông Tanigaki nói: “Trước ngày 11-3, chúng tôi đã theo đuổi chính sách cố gắng dồn Chính phủ vào chân tường càng sớm càng tốt, nhưng sau khi trận động đất khủng khiếp xảy ra, chúng tôi không thể duy trì chính sách đó”. Về phần mình, ông Nakasone đã khuyên ông Tanigaki hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Kan trong công tác tái thiết sau động đất. Theo ông Nakasone, ông Tanigaki “Cần nói chuyện trực tiếp với ông Kan” để thảo luận về tương lai của Nhật Bản. Ngoài ra, ông Nakasone cũng khuyên ông Tanigaki cần thảo luận với Đảng Công Minh, đảng đối lập lớn thứ hai, nếu ông này thảo luận với Thủ tướng Kan các vấn đề liên quan đến việc thành lập một đại liên minh với DPJ. Những lời bình luận trên cho thấy LDP có thể sẵn sàng khai thác khả năng thành lập một chính phủ đại liên minh với DPJ.

Phản ứng trước thông tin này, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của nhật báo Yomiuri tiến hành qua điện thoại trong các ngày từ 1 đến 3-4 cho thấy có 64% người được hỏi muốn DPJ cầm quyền và LDP đối lập thành lập chính phủ đại liên minh để đối phó với các hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần và giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Kết quả cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã tăng từ 24% trong cuộc thăm dò hồi đầu tháng 3-2011 lên 31%. Có 31% số người được hỏi muốn Thủ tướng Kan tiếp tục tại vị cho đến cuối kỳ họp hiện nay của Quốc hội (dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 6-2011). Về số phận của các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, khoảng 46% kêu gọi duy trì tình trạng hiện nay cho dù Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.

Nếu điều đó diễn ra, đây là một chính phủ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua  của Nhật Bản và nó có thể thúc đẩy nhiều chính sách kinh tế, xã hội phát triển, giúp cho đất nước vượt qua sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai, khắc phục thảm họa hạt nhân.

Rõ ràng qua thảm họa, các chính đảng và người dân Nhật Bản đã biết vì quyền lợi chung của đất nước, bỏ qua tị hiềm đảng phái, cùng chung trách nhiệm vì lợi ích tối cao của dân tộc.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.