.

Cái chết của Bin Laden và “Bóng ma” Al-Qaeda

Gần 10 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ làm cho hơn 3.000 người chết, thủ phạm và là trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh Al-Qaeda đã bị lực lượng biệt kích của Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch chớp nhoáng tại thành phố Abbottabad, khoảng 150km về phía bắc của Islamabad (Pakistan).

Ngay sau khi O.bin Laden bị tiêu diệt, ngày 1-5 (theo giờ Mỹ) Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo bất thường tại Nhà Trắng, thông báo: “Đêm nay, tôi có thể thông báo với người dân Mỹ và với thế giới rằng Mỹ đã tiến hành một chiến dịch và qua đó tiêu diệt được Osama bin Laden, thủ lĩnh Al-Qaeda, kẻ khủng bố chịu trách nhiệm về cái chết của hàng nghìn người vô tội, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em“. Nhiều người Mỹ đã tụ tập bên ngoài Nhà Trắng để chào mừng tin bin Laden bị tiêu diệt. Hàng ngàn người đã đổ xô đến Ground Zero,  nơi xảy ra vụ khủng bố ở Tòa tháp đôi (11-9-2001)  để chào mừng cái chết của Osama bin Laden. Cựu TT George W. Bush đánh giá đây là một thành tựu “quan trọng”. 

Các đồng minh của Mỹ  khẳng định việc tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Al Qaeda Osama bin Laden trong một chiến dịch bí mật của Mỹ là “chiến thắng của công lý” và sẽ giúp thế giới này thanh thản hơn. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe gọi việc tiêu diệt bin Laden là một “chiến thắng của tất cả các nền dân chủ đang chiến đấu chống lại tai họa khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố”. Ngoại trưởng Anh David Cameron nói rằng điều này sẽ “đem lại sự khuây khỏa to lớn cho người dân trên toàn thế giới”. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle khẳng định cái chết của bin Laden là “tin tốt lành đối với tất cả mọi người trên thế giới”. Trong khi đó, Điện Kremli cũng ra tuyên bố khẳng định Nga hoan nghênh việc trùm khủng bố số 1 thế giới Osama Bin Laden bị tiêu diệt và coi đó là thắng lợi quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Cùng ngày, tại Yemen, quê hương của bin Laden, cũng hoan nghênh việc tiêu diệt được tên trùm khủng bố này, coi đó là “sự khởi đầu của việc chấm dứt chủ nghĩa khủng bố”. Còn Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani thì cho rằng cái chết của bin Laden là một “chiến thắng vĩ đại”. Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai hy vọng với việc tiêu diệt bin Laden, các hoạt động khủng bố sẽ chấm dứt. 

Tuy nhiên, trong khi tin tức về cái mà Israel gọi là “sự trừ khử” bin Laden được các chính phủ trên thế giới hoan nghênh thì nhiều nước lại thận trọng khi cho rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan chưa kết thúc. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể sẽ xuất hiện, Ấn Độ đã chỉ trích quốc gia thù địch Pakistan, cho rằng việc tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda ở phía Bắc Islamabad là bằng chứng nữa cho thấy các phần tử khủng bố đang tìm “nơi ẩn náu” ở nước này. Thủ tướng Australia Julia Gillard thì cho rằng tin tức đó đáng hoan nghênh nhưng cũng cảnh báo “Al Qaeda chưa kết thúc. Cuộc chiến chống khủng bố của chúng ta phải tiếp tục”. Mỹ và nhiều nước khác cũng lên tiếng cảnh báo Al-Qaeda có thể có những hành động khủng bố trả thù. Còn Singapore, cảnh báo rằng cái chết của bin Laden không đồng nghĩa với việc thế giới này đã an toàn. Mặc dù Philippines cho rằng cái chết của bin Laden là một đòn mạnh giáng vào các phần tử khủng bố, song các lực lượng cảnh sát và quân đội nước này khẳng định họ vẫn cảnh giác trước bất cứ cuộc tấn công trả đũa nào mà những kẻ ủng hộ Osama có thể tiến hành.

Đáng chú ý, ông Nadhim al-Jubouri, một chuyên gia về Al-Qaeda của Iraq cho biết cái chết của bin Laden là thắng lợi của Mỹ nhưng chưa phải là mất mát lớn đối với Al-Qaeda trên thế giới. Ông Jubouri nói: “Cú đòn nặng mà Al-Qaeda phải nhận từ cái chết của bin Laden chắc chắn sẽ khiến chúng trả đũa. Cái chết của bin Laden đơn thuần là sự khép lại một chương trong cuốn sách của Mỹ viết về cuộc truy lùng bin Laden kéo dài 10 năm qua. Bin Laden chết, nhưng Al-Qaeda chưa chết”. 

Đúng như Mark Kimmit, một nhà phân tích quân sự của Mỹ nói rằng bin Laden chết “không phải là kết thúc của chủ nghĩa khủng bố, nhưng kết thúc của chương một“. Mark Kimmit nhấn mạnh: “Bắt giam hoặc giết Osama bin Laden có giá trị mang tính biểu tượng hơn.  Osama bin Laden chết nhưng mạng lưới  Al-Qaeda của chúng vẫn còn rất mạnh ở khắp nơi. Do vậy,  tổ chức Al-Qaeda  là quan trọng  hơn Osama bin Laden”.

Một số nhà phân tích nhận định sau cái chết của bin Laden  trung tâm chỉ huy của Al-Qaeda sẽ chuyển dịch sang Yemen với chi nhánh ở  Bắc Phi làm nòng cốt. Do vậy, “bóng ma” Al-Qaeda vẫn tiếp tục  là nỗi ám ảnh của nước Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.