C ơn bão chính trị quét qua khu vực Trung Đông và Bắc Phi vài tháng nay đã và đang để lại những hậu quả khó lường. Vấn đề hạt nhân của Iran vẫn là câu chuyện khá đau đầu cho Mỹ và phương Tây. Ai Cập đang thay đổi nhưng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ phức tạp.
Yemen bất an trên nhiều phương diện. Syria đang cải cách và đối mặt với các cuộc biểu tình chống chính phủ trên diện rộng. Libya bùng phát nội chiến và kéo theo sự tham gia của Mỹ và phương Tây. Các phe phái Palestine hợp nhất để thúc đẩy cuộc đấu tranh thành lập một Nhà nước độc lập nhưng Israel coi đó là “Thông điệp đối đầu nguy hiểm” không thế chấp nhận.
Như vậy, một vòng xoáy bạo lực đang diễn ra tại Trung Đông và hòa bình được xem như là thứ xa xỉ. Năm 2009, sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thủ đô Cairo của Ai Cập để đọc một bài diễn văn gửi thế giới Hồi giáo và coi vấn đề kiến tạo hòa bình cho Trung Đông là ưu tiên số một của mình. Nhưng sắp hết nhiệm kỳ mà lời hứa đó vẫn quá xa vời. Obama không buộc được đồng minh thân cận số một của mình là Israel ngồi vào bàn đàm phán với người Palestine. Có tin, Tổng thống Obama dự kiến sẽ đọc một bài diễn văn về chính sách của Mỹ tại vùng Trung Đông, tiếp sau vụ hạ sát Osama bin Laden và những xáo trộn tại Trung Đông và Bắc Phi. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói bài diễn văn này sẽ hướng tới cử tọa rộng lớn hơn là thế giới Arab. Một trong các đề tài này là các cuộc nổi dậy trong khu vực, báo hiệu một kỷ nguyên mới bất lợi cho các quan điểm cực đoan, trong đó có quan điểm của Al-Qaeda, vốn vẫn nhận mình là người nói lên nhu cầu và khát vọng của người Hồi giáo. Theo các quan chức Mỹ, ông Obama sẽ nói rằng bin Laden đại diện cho một cách tiếp cận sai lầm trong quá khứ trong khi các phong trào của dân chúng đang quét qua Trung Đông và Bắc Phi đại diện cho tương lai.
Tuy vậy, cái điều mà Mỹ và phương Tây hay cả Israel và vài nước khác trong khu vực Trung Đông không thể tính tới là những lời cảnh báo chiến tranh được đưa ra, trong một bối cảnh phức tạp do những tác động nhiều chiều. Mustafa Mlkotien, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Trường Đại học Tehran và là thành viên cấp cao của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, đã kêu gọi tình báo nước này huấn luyện các tổ chức người Hồi giáo Shia ở Bahrain tiến hành hoạt động phá hoại bằng chất nổ nhằm vào Saudi Arabia , để trừng phạt vương quốc này vì cái mà ông gọi là sự can thiệp quân sự vào Bahrain. Mạng "Rjauz" thân với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 11-5 dẫn lời ông Mlkotien cho rằng Iran nên áp dụng kinh nghiệm của Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon thông qua việc huấn luyện các tổ chức để tạo dựng sự phản kháng nhằm vào điều mà ông gọi là sự hiện diện quân sự của Saudi Arabia ở Bahrain. Động thái này diễn ra giữa lúc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tổ chức một hội nghị cấp cao ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia nhằm thảo luận về những căng thẳng trong khu vực, liên quan tới sự can thiệp của Iran vào các vấn đề của các nước GCC.
Trong khi đó, báo chí Syria dẫn một cuộc trả lời phỏng vấn của nhân vật thân cận với Tổng thống Syria đăng trên tờ New York Times ngày 11-5 đe dọa rằng Syria sẽ tiến hành cuộc chiến tranh chống Israel để trả đũa việc Mỹ và Châu Âu (EU), ủng hộ cuộc nổi dậy tại nước này. Nhà tài phiệt quốc tế Makhlouf, nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU, giải thích: "Nếu không có sự ổn định ở Syria thì sẽ không có sự ổn định ở Israel. Không có cách nào và không ai có thể bảo đảm những gì sẽ xảy ra sau đó".
Những lời cảnh báo chiến tranh này rất nguy hiểm, có thể đẩy Trung Đông rơi vào tình trạng nguy hiểm vì nó xuất phát từ các quốc gia chứ không đơn thuần là những tuyên bố của các thành viên Al-Qaeda. Do vậy, thứ dân chủ mà Mỹ và phương Tây ca ngợi và trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực này vô hình trung thúc bạo lực và chiến tranh mà thôi.
NGUYÊN CHÂU