.

Hòa bình theo kiểu Israel

Cuộc xung đột ở Trung Đông mà chủ yếu là giữa Palestine với Israel kéo dài mấy thập niên qua vẫn chưa có lối thoát. Sau nhiều năm làm vai trò trung gian nhưng không đạt được tiến bộ, ngày 19-5 tại Bộ Ngoại giao Mỹ, TT Barack Obama lại có thông điệp thứ hai về tình hình Trung Đông.
 
Đặc biệt đối với Israel và Palestine. Ông Obama nói "Các đường biên giới của Israel và Palestine cần được dựa trên các đường ranh giới năm 1967 với những thỏa thuận trao đổi được hai bên nhất trí, để những đường biên giới an toàn và được công nhận xác lập cho cả hai Nhà nước. Quá trình Israel rút hoàn toàn các lực lượng quân sự theo từng giai đoạn cần được kết hợp với việc Palestine đảm đương trách nhiệm an ninh trong một Nhà nước có chủ quyền và phi quân sự. Phải nhất trí về thời gian của giai đoạn chuyển tiếp này và phải thể hiện tính hiệu quả của các thỏa thuận an ninh". TT Obama nói việc tiến đến một nền hòa bình bền vững chấm dứt cuộc xung đột Arab - Israel là cấp thiết hơn bao giờ hết và Israel và người Palestine phải giải quyết những vấn đề then chốt thông qua đối thoại, để thành lập một quốc gia Palestine vững mạnh và một nước Israel được bảo vệ.

Các nhà đàm phán của nhóm "Bộ Tứ" về hòa bình Trung Đông, gồm Liên minh Châu Âu (EU), Nga, LHQ và Mỹ, ngày 20-5 đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan điểm của TT Obama về vấn đề hòa bình giữa  Israel và Palestine. Tuyên bố nêu rõ: "Nhóm Bộ Tứ nhất trí rằng cách tiếp cận dựa trên cơ sở lãnh thổ và an ninh sẽ tạo nền tảng để  Israel và Palestine đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột thông qua các cuộc đàm phán thực chất, nghiêm túc và thỏa thuận chung về mọi vấn đề trọng yếu".

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 20-5 tuyên bố Tel Aviv không thể quay lại các đường biên giới "không thể phòng thủ" năm 1967, đồng thời yêu cầu nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas phải lựa chọn giữa hòa giải với Hamas và hòa bình với Nhà nước Do Thái. Nói với TT Mỹ Obama trước sự chứng kiến của báo giới tại Phòng Bầu Dục, nhân chuyến thăm nước này ông Netanyahu nhấn mạnh: "Dù  Israel sẵn sàng nhượng bộ, song các thỏa hiệp để đạt được hòa bình không thể quay lại các đường ranh giới năm 1967 vì đó là những đường ranh giới không thể phòng thủ được... Chúng không bao hàm những thay đổi về nhân khẩu học đã diễn ra trên thực tế suốt hơn 44 năm qua".

Phản ứng lại thái độ đó của Israel, phát ngôn viên của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeina nói: "Chúng tôi kêu gọi TT Obama và Bộ Tứ  gây sức ép buộc ông Netanyahu chấp nhận các đường biên giới năm 1967. Quan điểm của ông Netanyahu là sự bác bỏ chính thức đối với sáng kiến của ông Obama cũng như luật pháp quốc tế". Ông Yasser Abed Rabbo, một quan chức hàng đầu của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cho biết PLO hoan nghênh các nguyên tắc của ông Obama về các đường biên giới năm 1967 và nếu  Israel chấp nhận những nguyên tắc này, PLO sẵn sàng sớm nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với  Israel. Hamas cùng ngày cho biết việc ông Netanyahu bác bỏ một Nhà nước Palestine dựa trên các đường biên giới năm 1967 chứng tỏ sự "ngớ ngẩn" trong các cuộc đàm phán với  Israel. 

Cách biện hộ đó của ông Netanyahu khiến các nhà quan sát chính trị cho rằng  Israel chỉ muốn hòa bình theo kiểu của mình là vẫn chiếm đóng và xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng đất của người Arab bị họ xâm chiếm. Một khi Tel Aviv tiếp tục bảo lưu quan điểm đó thì sẽ không bao giờ có hòa bình ở Trung Đông bền vững và xung đột lại diễn ra. Khát vọng về một Nhà nước Palestine độc lập đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Một câu hỏi khác được đặt ra là vai trò của Mỹ đối với Israel - đồng minh thân cận số một - như thế nào khi những quan điểm của ông chủ Nhà Trắng bị Israel  bác bỏ thửng thừng như vậy?

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.