.

Lời cảnh báo gây lo ngại

Vụ biệt kích Mỹ bí mật xâm nhập vào sâu lãnh thổ Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden đã làm cho quan hệ Islamabad - Washington trở nên căng thẳng. Làn sóng phản đối Mỹ tăng cao tại Pakistan trong nhiều ngày qua. Nhà Trắng đã cử nhiều quan chức cấp cao tới Islamabad để  đưa quan hệ trở lại bình thường.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tuyên bố sẽ phê chuẩn việc tiến hành một chiến dịch tương tự nếu phát hiện được một thủ lĩnh khủng bố khác ở  Pakistan.

Phát biểu với hãng truyền hình BBC vào đêm trước khi lên đường thăm Anh, Tổng thống Obama nói ông quan tâm tới chủ quyền lãnh thổ của  Pakistan, song Mỹ không thể cho phép “các kế hoạch khủng bố được thực hiện mà không bị ngăn chặn”. Trả lời câu hỏi Mỹ sẽ làm gì nếu một trong các thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc giáo sĩ Mullah Omar, thủ lĩnh của Taliban có dấu hiệu đang lẩn trốn tại Pakistan hay một nước có chủ quyền khác, ông Obama khẳng định Mỹ sẽ đơn phương hành động nếu bắt buộc phải làm như vậy. 

Lời cảnh báo nói trên của Tổng thống Obama thật sự gây lo ngại cho chính quyền Pakistan và cộng đồng quốc tế bất chấp sự phản đối quyết liệt của Islamabad và nhiều nước trên thế giới. Người tiền nhiệm của ông Obama là G.W.Buhs  khi phát động cuộc chiến chống khủng bố cũng đã từng cho rằng, Mỹ có quyền tấn công vào quốc gia nào nếu phát hiện có các phần tử khủng bố de dọa an ninh nước Mỹ. Chính tuyên bố đó  của G.W.Buhs đã làm cho hình ảnh nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế bị suy giảm, cuộc chiến chống khủng bố bị hạn chế vì thiếu sự hợp tác của các nước do lo ngại chủ quyền bị xâm phạm. Khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama  cam kết sẽ  quyết tâm khôi phục lại hình ảnh nước Mỹ trong cộng đồng quốc tế. Nhưng xung quanh vụ việc tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden ở Pakistan vừa qua và lời cảnh báo mới đây của ông Obama đã làm cho dư luận nhận ra một điều, Mỹ vẫn tự cho mình là siêu cường quân sự và kinh tế duy nhất và nhân danh chống khủng bố nên dành cho mình quyền tự  hành động ở bất cứ quốc gia nào mà bất chấp luật pháp và công ước quốc tế. 

Một diễn biến có liên quan đến hoạt động chống khủng bố của Mỹ, khi trang mạng của nhật báo "Svenska Daglbadet" (Thụy Điển) ngày 22-5 đưa tin các đặc vụ tình báo Mỹ đã theo dõi "những phần tử khủng bố" bị tình nghi ở Thụy Điển mà không có sự cho phép của chính quyền sở tại. Cơ quan tình báo Saepo của Thụy Điển năm 2009 phát hiện hai người Mỹ đang tiến hành hoạt động điều tra trái phép, bí mật ở nước này. Đề cập việc Washington không thông báo cho Pakistan trước khi theo dõi và tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden ba tuần trước, Svenska Dagladet khẳng định "Mỹ cũng đã tiến hành hoạt động tình báo nhằm vào các phần tử khủng bố trên lãnh thổ Thụy Điển". Do đó, Thụy Điển đã trở thành nơi diễn ra cuộc truy lùng khủng bố của cường quốc nước ngoài mà chính phủ nước chủ nhà không hề hay biết".

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.