.

Mỹ chuyển đổi mục tiêu truy sát

Trùm khủng bố Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ tiêu diệt hôm 1-5 trên lãnh thổ Pakistan đã đặt ra khá nhiều câu hỏi cho các bên có liên quan lẫn dư luận quốc tế.

Đối với thủ phạm gây ra cái chết cho hàng ngàn người Mỹ thì Bin Laden đáng phải trả giá cho hành động đó bằng một bản án thích đáng nhất. Tuy nhiên, việc Mỹ tiêu diệt Bin Laden khi trong tay không có vũ khí, ngay trước mặt người thân, liền bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án. Cao ủy nhân quyền LHQ coi đó là hành động không tương xứng và vi phạm công ước quốc tế,  cũng như vi phạm các biện pháp chống khủng bố do LHQ đề ra và đòi Mỹ phải công khai toàn bộ việc ám sát Bin Laden.

Còn Al-Qaeda và Taliban, thì chúng coi cái chết của Bin Laden là sự khơi mào cho cuộc Thánh chiến chống Mỹ và phương Tây trở nên khốc liệt hơn. Cả lãnh đạo Taliban Mullah Mohammad Omar và phó tướng Al-Qaeda Ayman Zawahiri đang được cho là sẽ chắc chắn kế nhiệm thủ lĩnh Bin Laden, đều lên tiếng kêu gọi trả thù cho Bin Laden. Các chi nhánh Al-Qaeda ở Iraq, Yemen… khẳng định không nao núng tinh thần mà sẽ làm cho cuộc chiến khủng bố trở nên quyết liệt hơn. Tổ chức Hồi giáo al-Shabab, cánh tay nối dài của Al-Qaeda tại Somalia đã tuyên bố sẽ trả thù vụ  Bin Laden bị hạ sát. Như vậy, trên phương diện nào đó, một tên trùm bị tiêu diệt thì đang xuất hiện nhiều tên trùm khác và cuộc chiến chống khủng bố không chỉ đơn thuần nhằm vào một thủ lĩnh mà phải xét đến cả tổ chức Al-Qaeda trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, với chính quyền Mỹ, cái chết của Bin Laden như là cái đà cho Nhà Trắng mở rộng các hành động truy sát những nhân vật mà họ coi là “kẻ thù của nước Mỹ”. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta tuyên bố rằng bất cứ ai thay thế Bin Laden cũng sẽ trở thành kẻ thù số 1 mới của Mỹ. Đáng chú ý hơn cả là tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc chuyển đổi các mục tiêu. Không những thay đổi mục tiêu truy sát sang các thủ lĩnh mới của Al-Qaeda, Taliban, Washington không loại trừ khả năng trong chiến dịch quân sự tại Libya, nhà lãnh đạo Gaddafi sẽ bị tiêu diệt.  Bà Clinton cho hay, liên quân sẽ tấn công các căn cứ quân sự và các chủ thể khác tại Jamahiri và ông Gaddafi có thể trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mà chính ông đã khơi mào. Bà Clinton đã gọi Gaddafi là “chướng ngại vật” trên con đường giải quyết mâu thuẫn chính trị tại nước này!.

 Israel, một đồng minh thân cận của Washington ngay lập tức cho rằng việc Mỹ truy sát Bin Laden đã vô hình trung thừa nhận tính hợp pháp của Tel Aviv lâu nay thường tiến hành các chiến dịch ám sát nhằm vào các thủ lĩnh Hamas, Hezbollah chống lại Nhà nước Do Thái. Bộ trưởng Quốc phòng nước này Shaul Mofaz cho rằng với việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố  Bin Laden sau một cuộc truy lùng kéo dài hàng thập kỷ chứ không phải là đưa hắn ra xét xử rốt cuộc đã hợp thức hóa chính sách “ám sát có mục tiêu” của Israel trong thời gian qua nhằm vào thủ lĩnh các nhóm du kích Palestine. Ông Mofaz, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và đối ngoại của Quốc hội Israel, nhấn mạnh rằng quyết định của Mỹ đã biện minh cho chính sách trước đây mà Israel đã thực thi trong cuộc chiến chống lại các nhóm du kích Palestine, kể cả tiêu diệt lực lượng Hamas và các quan chức chóp bu khác của Palestine. Rõ ràng, hành động đó của Mỹ và Israel đã và đang gây ra một tiền lệ nguy hiểm trong đời sống chính trị quốc tế. 

NGUYÊN CHÂU

;
.
.
.
.
.