.

Mỹ vẫn e dè

Cuộc đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc (SED) vừa diễn ra  tại thủ đô Washington cho thấy hai bên đang cố gắng xích lại gần nhau. Kết quả cho thấy, về kinh tế có những chuyển biến, song vấn đề quân sự còn những khoảng cách khá lớn. Dù vậy, Mỹ-Trung Quốc (TQ) cũng tìm kiếm sự hợp tác để giảm nguy cơ đối đầu.

Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tướng Trần Bính Đức đang có chuyến thăm Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Mike Mullen. Kyodo cho hay, các quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ và TQ ngày 18-5 cho biết hai bên nhất trí cho phép quân đội hai nước tiến hành các cuộc diễn tập chung vào năm tới, trong đó có nội dung diễn tập cứu trợ thảm họa thiên tai. Đô đốc Mike Mullen và tướng Trần Bính Đức cho biết họ cũng  nhất trí cùng tổ chức huấn luyện chống cướp biển trên vịnh Aden ở biển Arab. Giới quan sát cho rằng các cuộc diễn tập chung này có thể trở thành những bước đi đầu tiên mang tính biểu tượng hướng tới việc tăng cường giao lưu giữa quân đội của hai siêu cường này.

Trong khi đó, tướng Trần Bính Đức cùng ngày nói với các sĩ quan Mỹ tại đại học quốc phòng ở Washington, rằng TQ  “không bao giờ có ý định thách thức Mỹ” và “hoan nghênh vai trò xây dựng của Mỹ trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình cũng như thịnh vượng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Các nhà quan sát cho biết, mặc dù PLA đã tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự trong những năm qua song vẫn còn khoảng cách lớn về sức mạnh quân sự giữa TQ và Mỹ.  Một trong những vấn đề TQ quan tâm nhất là việc Mỹ hợp tác quân sự với Đài Loan. Khi phát biểu tại cuộc họp báo, Trần Bính Đức nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan có thể làm tổn hại mối quan hệ quân sự giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong một diễn biến khác, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà Ileana Ros-Lehinen đã chỉ trích mạnh mẽ việc Lầu Năm Góc trải thảm đỏ đón tướng Trần Bính Đức, cho rằng điều này gây nguy hiểm cho các bí mật quốc phòng nhạy cảm của Mỹ. Bà Ros-Lehinen nói rằng “quân đội TQ công khai xem Mỹ như một kẻ thù” vì thế “không nghi ngờ gì rằng bất cứ mẩu thông tin nào phái đoàn chuyên gia này thu thập sẽ được sử dụng chống lại chúng ta”. Điều đó cho thấy không ít các nhà lãnh đạo Mỹ không muốn thúc đẩy hợp tác quân sự với TQ, đồng thời lo ngại Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách khai thác thông tin bí mật quân sự của nước này. Hàng loạt  vụ việc bị đánh cắp các thông tin bí mật quân sự, hoặc các vụ tin tặc xảy ra trước đây đã làm cho các nhà lãnh đạo Mỹ rất cảnh giác khi quan hệ tiếp xúc với phía TQ.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.