.

Nga cảnh báo Mỹ về số phận Start mới

Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở châu Âu tiếp tục là đề tài gây tranh cãi giữa Moscow với Washington. Moscow liên tiếp lên tiếng phản đối vì nó không tính tới các lợi ích của Nga và đe doạ trực tiếp đến an ninh của nước Nga.
 
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng các hệ thống bảo vệ châu Âu trước nguy cơ tấn công tên lửa  của Mỹ có khả năng không hiệu quả và là mối đe dọa đối với sự ổn định nếu các hệ thống đó không có Nga tham gia. Điện Kremli dẫn thư của ông Medvedev gửi nguyên thủ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO)  ngày 14-5 viết: “Hệ thống phòng thủ tên lửa của châu Âu chỉ thực sự hiệu quả và khả thi nếu có sự tham gia của Nga một cách bình đẳng”. Theo ông Medvedev, cần bảo đảm rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa đặt ở châu Âu “không phá hoại ổn định chiến lược cũng như không nhằm vào cả hai bên”. Theo các nhà quan sát, bức thư này của  Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dường như là dấu hiệu ngày càng thất vọng của Moscow khi bị phương Tây “cho ra rìa” trong các cuộc thảo luận về vấn đề trên, bất chấp những dấu hiệu tiến triển cuối năm 2010. Đầu tháng này, Nga đã bày tỏ quan ngại trước thỏa thuận Mỹ - Romania để thiết lập các tên lửa đánh chặn của Mỹ tại quốc gia Đông Âu này.

Còn Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuyên bố Nga sẽ không nhượng bộ Mỹ và NATO trong vấn đề phòng thủ tên lửa nhằm bảo đảm an ninh quốc gia của mình. Thứ trưởng Antonov cho biết Nga chủ trương cùng Mỹ và NATO thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác, nhằm đối phó với những nguy cơ và thách thức mới. Nga không lùi bước và không nhượng bộ trong dự án AMD vì những hành động như vậy sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Nga.

Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh Nga không chấp nhận và không thờ ơ trước sự xuất hiện của một thành tố thuộc Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ có kế hoạch bố trí sát biên giới LB Nga. Moscow cũng lo ngại về việc không đạt được tiến bộ trong quá trình đàm phán với NATO về hệ thống lá chắn tên lửa của châu Âu. Tuy nhiên, Nga khẳng định các lực lượng vũ trang nước này hoàn toàn có khả năng bảo đảm an ninh quốc gia của mình trước mọi nguy cơ đe doạ về tên lửa đạn đạo.

Đáng chú là khi phát biểu tại Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga chiều 16-5, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov tuyên bố Nga có thể rút khỏi Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) nếu Mỹ và NATO triển khai NMD tại châu Âu mà không tính đến quan điểm và lợi ích quốc gia của LB Nga. Theo Thứ trưởng Ryabkov, quan điểm trước sau như một của Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa là các loại vũ khí phòng thủ chiến lược hiện nay không được tác hại đến vũ khí tiến công chiến lược của các bên, các bên không được phát triển vũ khí phòng thủ chiến lược của mình để chống lại nhau hoặc làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của bên kia. Moscow lấy làm tiếc về việc Mỹ và NATO không đưa ra được lời bảo đảm chắc chắc về chính trị và pháp lý rằng việc triển khai NMD của Mỹ tại châu Âu sẽ không nhằm vào Nga và lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga cũng như không tác hại đến an ninh quốc gia của LB Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov nhấn mạnh :Trong trường hợp Mỹ và NATO triển khai NMD ở châu Âu thì Moscow buộc phải rút khỏi START mới, đồng thời phải ngừng hợp tác với NATO trong việc thành lập Hệ thống phòng thủ tên lửa (AMD) chung, hay còn gọi là “lá chắn tên lửa chung” của Châu Âu.

Thái độ kiên quyết của các nhà lãnh đạo Nga cho thấy sự bất bình của Moscow trước hành động của Mỹ tiếp tục triển khai NMD  tại châu Âu đến mức nào. Nếu Moscow rút khỏi START mới thì giấc mơ về kế hoạch loại bỏ vũ khí hạt nhân  trong vài chục năm tới của Tổng thống Mỹ Obama cũng tan theo mây khói mà thôi.  
 
Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.