.

Ngoại giao hơn thực chất

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa kết thúc chuyến công du Anh với việc dùng bữa tối cùng Nữ hoàng Elizabeth II và sau đó rời xứ sở sương mù để đến Pháp. Đối với người đứng đầu Nhà Trắng, chuyến đi này có ý nghĩa về mặt ngoại giao hơn cả, nhất là khi ông nhấn mạnh về mối quan hệ “đặc biệt và thiết yếu” giữa 2 đồng minh từng rất đỗi thân thiết.  

Trang nhất báo The Times đã dùng những từ ngữ “đặc biệt và thiếu yếu” để nói về quan hệ Mỹ - Anh. “Đặc biệt và thiết yếu” ở đây không những với Washington, London mà còn với thế giới. Thủ tướng Anh David Cameron gọi quan hệ với cường quốc hàng đầu có ý nghĩa “thiết yếu với an ninh và thịnh vượng”. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama mô tả Mỹ - Anh là liên minh già cỗi nhất và hùng mạnh nhất thế giới.

Vẫn có những tuyên bố ngoại giao đầy hoa mỹ sau thời gian dài “quan hệ đặc biệt” bị gián đoạn. Trong quá khứ, Anh và Mỹ luôn có những cái bắt tay nồng ấm bởi sự tương đồng to lớn về lợi ích chiến lược. Song, thời của Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron khác với thời của những người tiền nhiệm G.W.Bush và Tony Blair. Dù muốn hay không thì “Học thuyết Bush - Blair” đã trở thành dĩ vãng. Giới quan sát từng nghi ngại rằng, “quan hệ đặc biệt” này bị đổ vỡ khi các chính sách của Mỹ và Anh không những không còn tương đồng nữa mà lộ rõ sự khác biệt. Lợi ích chiến lược thay đổi nên mối quan tâm của Mỹ cũng dịch chuyển sang châu Á, Mỹ Latinh, chứ không còn là các ông bạn châu Âu già cỗi. Đồng thời, ông Cameron không muốn là cái bóng của “người khổng lồ” như ông Blair đã làm. 

Hàn gắn quan hệ 2 bờ đại dương là mục đích hàng đầu của Mỹ. Tổng thống Obama cũng muốn xích lại gần châu Âu khi phải đối mặt với hàng loạt thách thức và cần có tiếng nói của châu lục này. Còn ông Cameron dù chẳng mặn mà với “sự đặc biệt” tưởng như bất di bất dịch ấy thì vẫn không thể làm mất lòng “ông lớn” từ bên kia Đại Tây Dương.      

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.