Thông tin Osama bin Laden, linh hồn và là biểu tượng của tổ chức Al-Qaeda, bị tiêu diệt sau 10 năm bị truy lùng có lẽ làm người Mỹ thở phào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước Mỹ thật sự thoát khỏi nỗi ám ảnh Al-Qaeda, vốn đeo đẳng cựu Tổng thống G.W.Bush và là một trong những nội dung nghị sự chính của ông Barack Obama. Từ bên kia bán cầu, Afghanistan - quốc gia thuộc khu vực Nam Á - cũng chưa vén hẳn được đám mây u ám mà nước này phải chịu từ 10 năm nay, sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng như người đồng cấp Mỹ Obama đều mô tả việc tiêu diệt được Bin Laden là chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng cái chết của trùm khủng bố sẽ dẫn đến hòa bình và ổn định cho Afghanistan. Song, theo các nhà phân tích, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng, quốc gia láng giềng của Pakistan sẽ có những ngày tháng yên ổn, không còn chịu sự ám ảnh của Al-Qaeda.
“Việc loại bỏ được Osama bin Laden không đồng nghĩa với cái chết của Al-Qaeda”, cựu quan chức ngoại giao Afghanistan Ahmad Sayedi nói. Trái lại, ông cho rằng, việc Bin Laden biến mất trên trái đất sẽ có tác động tiêu cực với Al-Qaeda và kéo theo những hệ lụy. Haroon Mir, một nhà quan sát chính trị khác, nhận định: Giết chết Bin Laden không phải là chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống khủng bố bởi vẫn có thể có hàng trăm kẻ đánh bom liều chết nếu không muốn nói là hàng ngàn người.
Sau chiến dịch tìm diệt Bin Laden, mối quan hệ giữa Mỹ với Pakistan được đặc biệt chú trọng với những tranh cãi ì xèo. Islamabad là đối tác chiến lược của Mỹ nhưng giờ đây, vị trí của quốc gia đồng minh châu Á này đang bị Washington xem xét lại. Trong cuộc chiến chống khủng bố, cùng với Afghanistan, Pakistan luôn đóng vai trò quan trọng từ thời Tổng thống G.W.Bush đến người đương nhiệm Barack Obama. Tuy nhiên, trục đối tác này có nguy cơ bị phá vỡ. Cả chiến lược của ông Obama đối với Afghanistan thời hậu chiến cũng có thể sẽ được điều chỉnh.
Thế giới thời hậu Bin Laden sẽ an toàn hơn? Nhiều câu hỏi được các nhà phân tích đặt ra, nhưng hiện vẫn còn đó hàng loạt “chân rết”. Và biết đâu khi nhân vật số 2 Ayman al-Zawahri lên vị trí hàng đầu của Al-Qaeda thì sẽ có một Bin Laden thứ hai, thứ ba xuất hiện. Như thế, Al-Qaeda sẽ là nỗi ám ảnh khôn nguôi với nước Mỹ và với thế giới.
VĨNH AN