.

Syria chịu thêm sức ép từ IAEA

Tình hình bất ổn chính trị ở Syria trong mấy tháng qua đã làm cho đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do các cuộc biểu tình, bạo động đường phố xuất hiện trên nhiều địa phương. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vừa tiến hành một loạt  những cải cách chính trị, vừa tập trung đối phó các cuộc biểu tình bằng nhiều biện pháp mạnh, gây ra thương vong lớn cho lực lượng chống chính phủ.

Mỹ và nhiều nước phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt Syria cả về quân sự, kinh tế và nhằm vào một số nhà lãnh đạo chủ chốt của nước này. Ngày 24-5, Ngoại trưởng Canada John Baird tuyên bố các lệnh trừng phạt chính phủ Syria và Tổng thống Bashar al-Assad có hiệu lực ngay lập tức, do Damascus vẫn tiếp tục từ chối chấm dứt đàn áp dã man những người biểu tình hòa bình, cũng như nguy cơ mà nước này gây ra đối với khu vực. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm đi lại và trừng phạt kinh tế đối với các thành viên trong chính phủ Syria. Chính phủ Canada lên danh sách các cá nhân Syria bị cấm nhập cảnh vào  Canada, đồng thời đình chỉ các hiệp định hợp tác song phương, cũng như cấm xuất khẩu một số mặt hàng như vũ khí, đạn dược, hạt nhân, các mặt hàng chiến lược và công nghệ sang Syria.

Cùng ngày, Thụy Sỹ mở rộng lệnh trừng phạt của nước này đối với Syria, trong đó có Tổng thống Bashar al-Assad và các quan chức cấp cao khác. Thụy Sỹ tuyên bố các ngân hàng phải ngay lập tức thông báo bất kỳ tài sản nào của Tổng thống Bashar al-Assad ở nước này. Còn văn phòng kinh tế Thụy Sỹ (SECO) tuyên bố sẽ liệt thêm ông Assad cùng chín thành viên chính phủ cấp cao khác vào danh sách những nhân vật bị cấm tới Thụy Sỹ và phong tỏa tài sản - tiếp sau các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU). Theo SECO, các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 25-5.

Không những đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt nói trên, mà trong một báo cáo mật có thể dẫn tới việc Damascus bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng một địa điểm ở Syria bị Israel ném bom năm 2007 "nhiều khả năng" từng là một lò phản ứng hạt nhân cần phải được công bố. Báo cáo trên đã đưa ra đánh giá độc lập theo hướng ủng hộ những nghi ngờ của phương Tây rằng Syria đã bí mật xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại địa điểm Dair Alzour trên sa mạc.  Báo cáo trên Reuters có được ngày 24-5, một ngày sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các quan chức cấp cao khác, nhằm gia tăng áp lực buộc chính phủ của ông này phải chấm dứt nhiều tuần trấn áp người biểu tình.

Các nhà quan sát nhận định, Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ có thể lợi dụng đánh giá của báo cáo trên để hối thúc đưa ra một quyết định tại cuộc họp của Ban Giám đốc IAEA gồm 35 thành viên diễn ra từ ngày 6 đến 10-6, để đưa vấn đề hạt nhân của Syria lên HĐBA. Đây là một thử thách nữa mà chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải đối mặt. Không những vậy dư luận còn bi quan hơn cho rằng báo cáo này được ra là có sự toan tính sâu xa, để nhân cơ hội này Mỹ và đồng minh sẽ có những biện pháp mạnh kể cả quân sự nhằm chống lại Syria.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.