.

Tổ chức hợp tác Thượng Hải sau 10 năm gắn kết

Thành lập năm 2001 tại Thượng Hải, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)  hiện có 6 nước thành viên gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kirgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, cùng bốn nước quan sát viên Iran, Pakistan, Ấn Độ và Mông Cổ. Ngoài ra, Belarus và Sri Lanka đã nhận quy chế đối tác - đối thoại.

Ngày 14-5, ngoại trưởng các nước SCO đã nhóm họp tại cố đô Alma Ala  của Kazakhstan để thảo luận về an ninh và hòa bình khu vực, chuẩn bị các văn kiện cho Hội nghị thượng đỉnh. Trong cuộc họp, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã ca ngợi những đóng góp của SCO trong việc thúc đẩy sự hòa hợp và phát triển khu vực, cũng như trong vấn đề dân chủ hóa các mối quan hệ quốc tế kể từ khi khối này được thành lập 10 năm trước đây. Theo ông Dương Khiết Trì, trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, bất chấp xu thế chủ đạo của hòa bình và phát triển trên thế giới, SCO sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp đang ngày một gia tăng như các nhân tố bất ổn, dễ biến động và thiếu an ninh. Do đó, các quốc gia thành viên SCO cần tiếp tục những nỗ lực nhằm tăng cường sự đoàn kết và sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác trên thực tiễn và đẩy mạnh hợp tác chiến lược trong nỗ lực nhằm tăng thêm sự đóng góp của khối cho an ninh và hòa bình thế giới. 

Theo các nhà quan sát, SCO sau 10 năm gắn kết đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên,  nhiều  nước thành viên và quan sát viên của SCO nằm ở khu vực Nam Á và Trung Á, là địa bàn chiến lược quan trọng của khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như: sự phát triển kinh tế không đồng đều; nền chính trị chưa ổn định vững chắc ; hoạt động của các phần tử Hồi giáo cực đoan rất nguy hiểm, nhất là sau vụ bin Laden bị tiêu diệt ; nạn buôn lậu ma túy khá phổ biến ; đói nghèo chiếm tỷ lệ cao và trên diện rộng ; hệ thống giao thông hiểm trở, khó khăn…Đấy là những thách thức mà SCO phải hợp tác để giải quyết cả trước mắt và lâu dài. Các nhà quan sát còn cho rằng, ở một phương diện khác, SCO như là một đối trọng với Mỹ và NATO để tạo dựng một hành lang an ninh bất khả xâm phạm từ bên ngoài, nên trong bối cảnh hiện nay, các nước trong khối, nhất là Nga và Trung Quốc, Ấn Độ muốn tổ chức này có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế như tuyên bố của các ngoại trưởng vừa đưa ra tại Alma Ala.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.