.

10 năm với bài học Fukushima

An toàn hạt nhân toàn cầu trở thành mối quan ngại sâu sắc từ sau thảm họa Fukushima Daiichi ở Nhật Bản. Chủ tịch Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp Andre-Claude Lacoste cho rằng, phải mất 10 năm để học tất cả bài học từ sự cố Fukushima Daiichi nhưng các quốc gia nên thực hiện việc thử nghiệm an toàn hạt nhân trong vòng một năm.

Thảm họa Fukushima Daiichi là một cú sốc và 10 năm là thời gian quá dài, theo lời của Chủ tịch Ủy ban Điều phối hạt nhân Mỹ Gregory Jaczko. Song, khủng hoảng ở Nhật như hồi chuông cảnh báo khiến thế giới giật mình về sự an toàn trong sử dụng năng lượng hạt nhân. Vị quan chức của Pháp Lacoste cũng nhìn nhận rằng, kiểm soát quốc tế đối với an toàn hạt nhân là điều khó khăn. Bởi lẽ, thế giới hiện có 440 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 60 lò khác đang được xây dựng và nhiều khả năng có thêm 493 lò khác. Tuy nhiên, sự nan giải đó không đồng nghĩa với việc các nước thiếu những bước đi chủ động và vững chắc để tránh những thảm họa tương tự. 

Đầu tuần này, Nhật Bản thừa nhận họ đã không chuẩn bị tốt cho sự cố nghiêm trọng như Fukushima Daiichi và ước tính phóng xạ rò rỉ cao gấp đôi so với con số công bố. Nhiều chuyên gia, trong đó có Giám đốc Thanh tra hạt nhân của Anh, ông Mike Weightman, cho rằng bức tranh về những gì xảy ra bên trong các lò phản ứng ở Nhật Bản vẫn chưa được phác thảo hoàn chỉnh.

10 năm để nắm bắt hết những bài học của Fukushima Daiichi cũng sẽ là 10 năm kiểm nghiệm những động thái của các Chính phủ về vấn đề an toàn hạt nhân. Đức là quốc gia đầu tiên tuyên bố từ bỏ điện hạt nhân. Chính phủ Thụy Sĩ cũng vừa bỏ phiếu thống nhất đóng cửa các cơ sở hạt nhân trong vòng 25 năm. Song, Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus lại mô tả việc từ bỏ hạt nhân là điều ngớ ngẩn. Chính phủ của ông Klaus thậm chí sẽ mở rộng nhà máy Temelin, cách lãnh thổ của Đức chỉ 60km.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đang được mong đợi sẽ đặt ra những quy định quốc tế mới trong cuộc họp sắp tới tại Vienna (Áo).

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.