.

Cuộc chiến tranh không tuyên bố

10  năm đầu của thế kỷ XXI, trên danh nghĩa chính thức, Mỹ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh  xâm lược với quy mô lớn nhằm vào Iraq và Afghanistan, với sự tham gia của  hàng trăm ngàn binh lính, cùng sự góp mặt các đồng minh. Nhưng trên thực tế, Mỹ cũng đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh ở cấp thấp hơn tại  nhiều quốc gia trên thế giới, mà điển hình là cuộc chiến tranh không tuyên bố, song vô cùng khốc liệt dưới danh nghĩa chống khủng bố đang diễn ra tại Pakistan.

Kể từ năm 2001, khi Mỹ và các đồng minh phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan, thì nước láng giềng Pakistan, vô hình trung trở thành mặt trận thứ hai. Cuộc tháo chạy của tàn quân Taliban và tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã chọn vùng núi hiểm trở Afghanistan làm căn cứ địa. Do vậy, Mỹ đã  bỏ nhiều nghi ngại, chấp nhận Islamabad là đồng minh chiến lược và đổ hàng tỷ USD viện trợ mỗi năm , để có được sự đồng tình của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, chính trường Pakistan không đơn giản như Washington nghĩ, mà nó đan xen những xu hướng khác nhau, trong đó có tâm lý chống Mỹ khá mạnh mẽ hiện hữu trong hầu hết những người Hồi giáo cực đoan. Al-Qaeda và Taliban đã dựa vào nhân tố này để trú ẩn, phát triển lực lượng, và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ và các đồng minh ngay tại quốc gia này lẫn trên chiến trường Afghanistan. Sự tồn tại của trùm khủng bố Al-Qaeda  Osama bin Laden và các thủ lĩnh Taliban khác trong nhiều năm liền vừa mới bị Mỹ phát hiện và tiêu diệt mới đây minh chứng cho nhận định đó.

Để truy tìm các thủ lĩnh  Al-Qaeda và Taliban trên lãnh thổ Pakistan, Mỹ vừa dựa vào Islamabad để hành động, vừa tự mình tiến hành các cuộc không kích lẫn các chiến dịch biệt kích trên quy mô lớn, bất chấp sự phản đối của chính quyền nước này. Hàng trăm cuộc không kích bằng không quân  của Mỹ trong nhiều năm qua đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda , mà điển hình mới đây là trùm khủng bố Osama bin Laden. Nhưng hệ quả của các cuộc không kích, biệt kích đó của Mỹ gây ra cho Pakistan là vô cùng to lớn, nằm trên hai phương diện: vi phạm trắng trợn chủ quyền đất nước; gây thương vong nghiêm trọng cho thường dân. Hàng ngàn người dân Pakistan, nhất là các bộ tộc trên vùng núi phía Bắc  đã chết và bị thương do bom đạn của Mỹ.
 
Vụ xảy ra mới nhất là hôm 8-6 vừa qua, tên lửa của Mỹ đã làm cho 16 người Pakistan thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Hai ngày trước đó, máy bay không người lái của Mỹ đã bắn tên lửa xuống khu vực Wacha, thuộc huyện Nam Waziristan lân cận, làm 18 người chết. Mỹ coi khu vực Waziristan bán tự trị ở Tây Bắc Pakistan là "vùng nguy hiểm nhất trên trái đất" và là "đại bản doanh toàn cầu" của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, nơi Taliban và các nhóm khủng bố của Al-Qaeda gây dựng căn cứ. Washington đang gây sức ép buộc Islamabad mở cuộc tấn công trên bộ vào khu vực Bắc Waziristan. Trong khi đó, Islamabad đã yêu cầu Mỹ ngừng các vụ bắn tên lửa tại Pakistan và không tái diễn hành động tương tự vụ biệt kích Mỹ xâm nhập lãnh thổ Pakistan tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại thị trấn Abbottabad hôm 2-5.

Chính hành động đó của Washington thực sự là đang tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố trên quy mô vô cùng to lớn, đã dấy lên làn sóng chống Mỹ và phương Tây mạnh mẽ tại Pakistan. Một số tổ chức Hồi giáo cực đoan của Pakistan tiếp tục kêu gọi phong trào Thánh Chiến chống Mỹ và đòi chính quyền nước này chấm dứt sự hợp tác Washington và phương Tây vì họ gieo rắc bom đạn giết chết thường dân nước này.

Một câu hỏi được đặt ra là chính quyền Islamabad sẽ đối phó với các hành động quân sự của Mỹ trên lãnh thổ mình như thế nào? Nếu nhân danh chống khủng bố, Mỹ có quyền hành động quân sự nhằm vào bất kỳ quốc gia nào như tuyên bố của Tổng thống Mỹ G.W. Bush trước đây và Barack Obama vừa mới khẳng định lại sẽ là một tiền lệ nguy hiểm,  không những xâm phạm chủ quyền của một quốc gia, mà luật pháp và Công ước quốc tế cũng bị vi phạm một cách  trắng trợn.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.