.

Giả vờ

Làm ra vẻ như  đặc biệt quan tâm đến cuộc xung đột Palestine-Israel, tháng trước Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra “sáng kiến” về hòa bình Trung Đông, trong đó có gợi mở khá quan trọng  khi coi đường biên giới năm 1967 là nên tảng để thiết lập  Nhà nước Palestine cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái.

Thông điệp của Tổng thống Obama đưa ra chưa ráo mực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có mặt ngay tại Washington để gặp ông chủ Nhà Trắng và bày  tỏ thái độ bất bình quyết liệt. Thế là  ông Obama lên tiếng cải chính rằng dư luận hiểu sai cách diễn đạt của mình, bởi ông cho rằng đường biên giới năm 1967 chỉ là cơ sở để phía Palestine và Israel đi vào thảo luận cụ thế mà thôi?! Biện dẫn đó của Tổng thống Obama được các nhà quan sát thời cuộc nhận định là Mỹ không dám làm mất lòng Tel Aviv, đồng minh thân cận số một của Washington ở khu vực Trung Đông.

Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đề xuất một kế hoạch hòa bình, theo đó  cũng coi các đường ranh giới năm 1967 là biên giới giữa Israel và Nhà nước Palestine trong tương lai. Sáng kiến của Paris dựa trên nguyên tắc giải pháp hai Nhà nước, đồng thời ngăn chặn Israel tiến hành bất cứ hành động đơn phương nào. Sáng kiến còn kêu gọi tiến hành một cuộc thảo luận hòa bình quốc tế do Pháp bảo trợ và tổ chức cùng thời điểm với hội nghị các nhà tài trợ ở Paris nhằm thảo luận một kế hoạch cho sự phát triển của các vùng lãnh thổ Palestine trong 3 năm tới, với khoản viện trợ lên tới 5 tỷ USD.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 5-6 cam kết xem xét đề xuất nối lại hòa đàm với Palestine mà Pháp đưa ra. Ông Netanyahu tuyên bố: "Chúng tôi đánh giá cao những người bạn Pháp của chúng tôi và tôi sẽ trả lời họ sau khi xem xét sự việc". Nhưng ông Netanyahu đã không khi tuyên bố rằng Israel sẽ tham vấn Mỹ và khẳng định: "Mỹ sẽ đưa ra đề xuất của họ và chúng tôi cũng có những ý tưởng của riêng mình".
Dư luận đặt câu hỏi là tại sao Israel phải hỏi Mỹ mà không định đoạt được số phận của mình trong cuộc xung đột với người Palestine? Còn Washington ngày 7-6 đã chính thức cho rằng đề xuất kế hoạch hòa bình của Pháp là “chưa hợp thời” ! Vậy  khi nào thì mới hợp thời để có một Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái? Hơn 50 năm qua, người Palestine đã đấu tranh không mệt mỏi, hàng vạn người phải hy sinh dưới bàn tay đẫm máu của quân đội Israel để quyết giành lấy một khát vọng lớn nhất là  có một Nhà nước độc lập  để hàng chục vạn  cư dân Palestine  được trở về sống trên vùng lãnh thổ thiêng liêng của mình.

Cái tuyên bố “không hợp thời” của Mỹ lại là  một trò chơi giả vờ  đổ qua đổ lại để dư luận không biết được Washington hay Tel Aviv nắm vai trò chủ đạo giải quyết cuộc xung đột với người Palestine.

Henry Siegman, trong một bài bình luận trên trang web của  RIA Novosti mới đây đã đưa ra một nhận xét khá thú vị về các “nỗ lực” tìm kiếm hòa bình cho cuộc xung đột Trung Đông của Mỹ và Israel. Henry Siegman cho rằng chính phủ Israel chỉ giả vờ họ đang tìm kiếm một giải pháp hai Nhà nước với người Palestine, nhưng thực chất họ đang tìm cách trì hoãn và phá hoại nó một cách có hệ thống. Còn Mỹ cũng đang cố giả vờ để cho dư luận tin rằng Washington đang thúc đẩy mọi cố gắng để hòa bình Trung Đông sớm thành hiện thực.

Đấy chính là điều cay đắng nhất mà thế giới Arab nói chung và người Palestine đã và đang phải hứng chịu trong mấy thập niên qua. Bởi vậy, nền  hòa bình Trung Đông cũng chỉ là chiếc bánh vẽ mà các đời Tổng thống Mỹ nặn ra để đánh lừa dư luận đấy thôi.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.