.

Giải mã sự thật

Sau hơn 35 năm kết thúc nhưng sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ vẫn thu hút mối quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu, công chúng Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Theo AFP, toàn bộ 7.000 trang của tập tài liệu có tên gọi là “Quan hệ Mỹ-Việt Nam giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện” đã được cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ chính thức công bố ngày 13-6, đúng 40 năm sau khi tài liệu này bị rò rỉ. Tài liệu  này do bộ trưởng quốc phòng lúc đó là Robert McNamara yêu cầu soạn thảo vào tháng 6-1967 nhằm ghi lại lịch sử cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Một phần tài liệu này, còn gọi là “Hồ sơ Lầu Năm Góc” lần đầu tiên được công bố trên nhật báo hàng đầu của Mỹ là tờ The New York Times vào năm 1971. Tài liệu do Daniel Ellsberg, cựu chiến binh thủy quân lục chiến của Mỹ, cung cấp cho báo trên cho thấy chính quyền của TT Lyndon Johnson khi đó đã bí mật leo thang chiến tranh và nói dối Quốc hội cũng như công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam như gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ để mở cuộc chiến tranh không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia. Ngay sau khi một phần tài liệu bị tiết lộ, làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam đã nổi lên dữ dội ngay trong lòng nước Mỹ, khiến Tổng thống Johnson lúc bấy giờ phải  quyết định không tái tranh cử.

Regina Greenwell, thủ thư cao cấp của thư viện và bảo tàng Baines Johnson Lyndon (LBJ) ngày 13-6 cho biết: “Đây là lần đầu tiên báo cáo được công bố đầy đủ. Tài liệu vẫn còn rất mới về cả hình thức ban đầu lẫn nội dung”. Các văn bản đã được đóng dấu “giải mật” bằng mực đỏ, được công bố trong một cuộc họp báo tại thư viện LBJ ở Austin. Còn  Harry Middleton, người viết diễn văn cho Johnson lãnh đạo thư viện LBJ trong suốt 30 năm nhận xét :“Ông có cảm giác rằng mọi thứ đã được dàn xếp và tất cả đã bị phơi bày, lịch sử chứng minh cho những quyết định quan trọng về cuộc chiến tranh Việt Nam”. Đối với McNamara - người  đã phục vụ qua hai đời tổng thống - chỉ đạo thiết lập hồ sơ này cũng tin rằng, nghiên cứu sẽ giúp các thế hệ tương lai của nước Mỹ hiểu đúng về Cuộc chiến Việt Nam. Henry Trewhitt đã viết trong cuốn “McNamara: Thử thách của ông tại Lầu Năm Góc” nhấn mạnh: “Khi nội dung đã được công bố trên báo chí, niềm vui của ông (McNamara) bị giảm sút do cú sốc trước việc hai chính quyền (Kennedy và Johnson) đã gian dối leo thang chiến tranh”. Tài liệu này cho thấy mức độ dính líu quân sự của Mỹ vào Việt Nam là nhiều hơn so với những gì công chúng được biết.

Tuy nhiên, so với bản tài liệu “Hồ sơ Lầu Năm Góc” được Thượng nghị sỹ Mike Gravel của Đảng Dân chủ bang Alaska công bố vào năm 1971 thì bản giải mật lần này có thêm 2.384 trang nhưng lại thiếu nhiều phần so với bản do Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ công bố cũng vào năm 1971. Ngoài ra nó còn thiếu phần về các cuộc đàm phán giữa Hà Nội và Washington.

Theo các nhà quan sát, thì việc giải mã hồ sơ này sẽ giúp  cho các nhà nghiên cứu tiếp cận khá đầy đủ , phân tích  kỹ hơn và dư luận nhận thấy một cách có hệ thống qua các đời Tổng thống Kennedy Johnson và các chính quyền Mỹ  trước đó đã tiến hành leo thang cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam bằng việc  lừa dối Quốc hội, công chúng và các đồng minh như thế nào.  

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.