.

Lòng tham

Tình hình Biển Đông trong mấy ngày qua trở nên phức tạp khi mà Trung Quốc (TQ) có hàng loạt các hành động gây hấn với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
 
Để khẳng định chủ quyền vùng biển Biển Đông, biến nó thành ao nhà của mình, TQ đã đưa ra bản đồ theo hình lưỡi bò từ Bắc xuống Nam, áp sát vào các vùng biển chủ quyền của Việt Nam và một số nước có liên quan khác. Toan tính này của TQ là nhằm vào hai mục đích lớn: chiếm toàn bộ khu vực Biển Đông có nhiều dầu mỏ, nhằm phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển nóng và kiểm soát tuyến hành lang vận tải biển nhộn nhịp nhất của thế giới.

Theo ước tính, vùng biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng dầu (barrel), trữ lượng khí đốt khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Thời báo Hoàn cầu của TQ mới đây khẳng định Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ mét khối khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và tám lần trữ lượng khí đốt hiện có của nước này. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Theo những nghiên cứu từ Philippines thì vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.

Trong khi đó, Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia , New Zealand ; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.
 
Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả TQ. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và TQ. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.

Để  thực hiện hai mục đích đó, TQ đề ra chiến lược biển và có hàng loạt các kế hoạch   tăng cường lực lượng hải quân; xây dựng các căn cứ hậu cần; tổ chức nhiều cuộc tập trận trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; cho đóng các giàn khoan dầu khí hiện đại, tiến hành thăm dò dầu khí; đóng hàng chục tàu hải giám...

TQ tiến hành những hành động gây hấn một cách có hệ thống, trong những năm qua, đối với các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam. TQ  gây áp lực các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác với nước ta để tiến hành thăm dò khai thác. Phong tỏa, bắt bớ, không cho ngư dân nước ta khai thác ở ngư trường thuộc vùng biển chủ quyền. Đặc biệt, việc mới đây họ phái nhiều tàu hải giám, cho nhiều tàu cá hoạt động xâm nhập sâu vào vùng biển nước ta trong thời điểm các ngư dân Việt Nam đánh bắt cá vụ Nam, gây hấn, thậm chí bắn uy hiếp ngư dân là có toan tính, gây áp lực, tạo sự lo ngại của người dân nước ta trong hoạt động trên vùng biển. Một sự kiện đáng chú ý khác là tàu hải giám TQ cắt đứt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là sự kiện đáng quan ngại. Nó không chỉ làm cho quan hệ hai nước trở nên phức tạp, mà là dấu hiệu cho thấy TQ đang có những hành động nguy hiểm làm cho tình hình toàn bộ khu vực Biển Đông trở nên dậy sóng.

Hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam, muốn biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc đã bị Chính phủ Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối kịch liệt. Các nước ASEAN, cộng đồng quốc tế phê phán mạnh mẽ về những đòi hỏi chủ quyền phi lý và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, vô điều kiện các hành động gây hấn, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, giải quyết các vấn đề còn tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.