Nhà Trắng đã phải báo cáo chi tiết lên Quốc hội về cuộc chiến Libya, trong đó lý giải về mục tiêu can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama dường như vẫn không thể thuyết phục được các nghị sĩ và dư luận về tính hợp pháp của cuộc chiến.
Mỹ hiện đóng vai trò hỗ trợ trong các nhiệm vụ tiếp dầu trên không, tình báo, do thám… cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lực lượng đang tiếp tục “sứ mệnh” ở Libya. Song, Washington đã kéo bản giao hưởng không êm dịu đầu tiên chống lại một Chính phủ của “lục địa đen”, khơi mào cho hàng loạt cuộc không kích sau đó. Vì thế, dù muốn hay không thì Tổng thống Obama cũng không thể “né” được sự công kích của các nghị sĩ Mỹ. Các nhà lập pháp đã cáo buộc ông chủ Nhà Trắng tiến hành bất hợp pháp các chiến dịch quân sự tại Libya mà không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Xung quanh vấn đề “lách luật” này, Nhà Trắng lý giải rằng, Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho chiến dịch của NATO nên không nhất thiết chờ Quốc hội phê chuẩn. Nhưng xem ra, cách giải thích này chưa thật ổn!
Kinh phí mà Mỹ rót cho các chiến dịch quân sự cũng như hỗ trợ nhân đạo ở Libya ước tính khoảng 800 triệu USD và có thể là 1,1 tỷ USD, nếu tính đến đầu tháng 9 tới. Chưa nói chuyện “lách luật”, con số này lên đến 1,1 tỷ USD cũng đủ để ông Obama hứng chịu búa rìu công kích bởi nước Mỹ vẫn đang chật vật thoát khỏi khủng hoảng tài chính.
Nước Mỹ đang khởi động chiến dịch tranh cử Tổng thống. Cũng như người tiền nhiệm G.W.Bush từng gặp khó với “di sản” Afghanistan và Iraq trong mùa bầu cử năm 2008, nay hàng loạt vấn đề đang bủa vây Tổng thống đương nhiệm Obama. Màn nổ phát pháo đầu tiên của Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vừa qua là một minh chứng. Theo đánh giá của giới phân tích, dù tạm dẫn điểm trước các ứng viên khác, nhất là sau chiến dịch tìm diệt Osama bin Laden, nhưng còn quá sớm để khẳng định ưu thế thuộc về ông Obama. Cuộc đua nóng bỏng vào Nhà Trắng đang bắt đầu.
VĨNH AN