.

Nước cờ mới trên chính trường Afghanistan

Cuộc chiến tranh do TT  Mỹ G.W.Bush phát động dưới danh nghĩa chống khủng bố nhằm vào Afghanistan sắp tròn 10 năm. Đây cũng là một trong những cuộc chiến tranh kéo dài nhất mà nước Mỹ tham chiến kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II. Mục tiêu của Mỹ đặt ra là phải xoá sạch hệ thống chính quyền từ trung ương tới cơ sở do Taliban kiểm soát và tiêu diệt toàn bộ các thành viên mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda dưới sự chỉ huy của Osama bin Laden vốn được Taliban dung dưỡng.

Tuy nhiên, sau một thập niên, xem ra cả hai mục tiêu đó của Mỹ và đồng minh (chủ yếu là NATO) vẫn chưa có kết quả khả quan. Bởi lẽ, cho dù bin Laden, theo giới chức Mỹ, vừa bị tiêu diệt trên lãnh thổ Pakistan, nhưng mạng lưới  khủng bố Al-Qaeda ở Afghanistan, Pakistan và nhiều vùng khác trên thế giới, đặc biệt là tại Bắc Phi, vẫn tiếp tục hoạt động , luôn là mối đe dọa nghiêm trọng cho nước Mỹ và phương Tây.  Các thủ lĩnh mới  của Al-Qaeda xem ra còn táo tợn hơn nhiều so với ông trùm bin Laden cả về phương diện kiến thức lẫn sự liều lĩnh. Dưới sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ và phương Tây, các thủ lĩnh Al-Qaeda càng tỏ ra nhạy bén, mưu lược khi tập hợp lực lượng, huấn luyện và đề ra các kế hoạch tấn công khủng bố rất tinh vi. Ngay tại chiến trường Afghanistan và nước Pakistan láng giềng, Al-Qaeda vẫn hoạt động trong mối liên kết khá chặt chẽ để chống Mỹ và các đồng minh trong NATO bằng các cuộc tấn công liều chết, hoặc nhắm vào các mục tiêu xa hơn.

Trong khi đó trên chiến trường Afghanistan, Mỹ và các đồng minh xem ra đang lún sâu vào cuộc chiến không có lối thoát. Sau cuộc rút quân khỏi Iraq, Mỹ tăng viện cho Afghanistan để hòng tiêu diệt các phần tử Al-Qaeda và lực lượng Taliban, để cho chính quyền của Tổng thống Hamid Kazai đủ mạnh để kiểm soát đất nước. Nhưng mong muốn đó không thể thành hiện thực khi mà Taliban ngày càng trở thành lực lượng mạnh, chiếm cứ nhiều khu vực, luôn mở các vụ tấn công vào quân đội Mỹ, NATO và chính quyền Kabul. Bên cạnh đó, Taliban còn tiến hành các vụ giải thoát tù nhân số lượng lớn gây ngạc nhiên cho Mỹ.

Bởi vậy, mục tiêu loại Taliban ra khỏi đời sống chính trị ở Afghanistan của Mỹ khó thành hiện thực. Mỹ tìm cách phân hoá, lôi kéo các thủ lĩnh Taliban ôn hoà để mở đường cho một phương án mới là thực hiện chính sách “hoà hợp dân tộc”. Các cuộc đàm phán  giữa Mỹ với một số thủ lĩnh Taliban đã diễn ra nhưng chưa có kết quả nào, khi mà mục tiêu của hai bên còn quá dị biệt. Taliban  quyết không buông vũ khí đầu hàng mà muốn có vai trò lớn trong việc điều hành đất nước. Đây là vấn đề không dễ dàng gì Washington lẫn Kabul chấp nhận.

Nhưng sau sự kiện Bin Laden bị tiêu diệt, tiếng nói của dư luận Mỹ và quốc tế đòi Mỹ và NATO rút quân, chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan ngày càng mạnh mẽ. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tới Afghanistan vừa để nói lời chia tay khi ông sắp rời chức vụ, nhưng cũng để thị sát tình hình chiến trường. TT Mỹ Obama cũng lên kế hoạch cho việc bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan trong tháng 7 tới, thời điểm mà ông ta từng hứa với cử tri Mỹ.

Để làm được điều đó, thì Mỹ không chỉ trông cậy vào chính quyền Kabul, mà phải đưa Taliban trở lại chính trường nhằm hình thành một chính phủ hoà hợp. Mở đường cho nước cờ mới này, Mỹ không chỉ tiến hành các cuộc đàm phán riêng rẽ với các thủ lĩnh Taliban, đồng thời bật đèn xanh cho LHQ cùng một số nước đồng minh loại Taliban ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Các thông tin ở LHQ ngày 15-6 cho biết LHQ có thể xem xét loại bỏ lực lượng Taliban ở Afghanistan khỏi danh sách các tổ chức khủng bố và công nhận Taliban là một đảng chính trị ở Afghanistan. Trước đó, ông Akram Khan Durrani, lãnh tụ đối lập trong Quốc hội Pakistan cũng khẳng định LHQ đã mở cửa thương lượng với Taliban và sẽ rất sớm tuyên bố Taliban là một chính đảng.

Đây được xem như là nước cờ mới trên chính trường Afghanistan , biến Taliban,  một tổ chức được liệt vào danh sách khủng bố nguy hiểm  thành một chính đảng để tham gia các hoạt động chính trị.

Liệu miếng mồi này sớm thu phục được Taliban và có làm cho  cuộc chiến ở Afghanistan sớm lui vào dĩ vãng sau 10 năm khốc liệt, đầy đau thương, tang tóc do Mỹ và các đồng minh NATO gây ra trên đất nước này?

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.