Chuyến đi Singapore để tham dự Đối thoại an ninh Shangri-La và đến Bỉ để bàn thảo về sách lược của NATO trong những ngày đầu tháng 6 này là lần công du cuối cùng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trước khi ông rời nhiệm sở. Mang theo thông điệp về cam kết của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, trong diễn đàn ở Singapore vào hôm nay (3-6), người đứng đầu Lầu Năm Góc mong muốn thúc đẩy sự hiện diện rõ nét hơn của Washington tại khu vực đang nổi lên này.
Mặc dù là một trong những Bộ trưởng Quốc phòng có ảnh hưởng nhất ở Mỹ nhưng ông Gates vẫn muốn từ nhiệm trong năm nay, cụ thể vào ngày 30-6 tới. Quyết định của Tổng thống Barack Obama chọn người thay thế đã đáp ứng được nguyện vọng của ông Gates. Sự ra đi của ông có thể được tiên liệu trước, đặc biệt sau khi mạng WikiLeaks công bố tài liệu ngoại giao mật. Song, lỗ hổng mà ông chủ Lầu Năm Góc để lại, như vấn đề cắt giảm chi tiêu quân sự, việc rút quân ở Afghanistan, chính sách với châu Á và Đông Nam Á, sẽ khó khăn cho bất kỳ ai kế nhiệm, dù đó là người dày dạn kinh nghiệm - Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta.
Được Tổng thống G.W.Bush bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2006, thời kỳ Mỹ chật vật nhất với cuộc chiến tranh Iraq, ông Gates với tiếng nói mềm mỏng hơn đã thay đổi giọng điệu của Lầu Năm Góc. Cơ quan này bỗng khoác chiếc áo ít hiếu chiến hơn so với người tiền nhiệm Donald Rumsfeld.
Tuy nhiên, với việc thay tướng ở Bộ Quốc phòng, chính sách chiến tranh của Mỹ được cho là sẽ không có thay đổi nào lớn mặc dù vấn đề chi tiêu quân sự vẫn gây ít nhiều tranh cãi. Ông Gates phản đối mạnh mẽ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng Tổng thống Obama vẫn công bố sẽ giảm 400 tỷ USD vào năm 2023. Việc cắt giảm khoản ngân sách này chưa hẳn làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong nhiều thập niên qua quân đội Mỹ đã hiện diện tại một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng với các hiệp ước quốc phòng với Thái Lan, Philippines.
VĨNH AN