Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông trong mấy tháng qua hiện vẫn chưa có hồi kết. Bạo lực đang diễn ra khá khốc liệt ở Yemen, Libya, Syria. Đây là khu vực có nhiều dầu mỏ và cũng có tầm chiến lược quan trọng về quốc phòng. Cho nên, sự kiện đó làm đảo lộn nhiều toan tính khác nhau của các siêu cường.
Nhìn lại các biến cố đó, người ta thấy chi phối từ bên ngoài tác động vào tình hình của các quốc gia này rất rõ. Trong khi các cuộc nổi dậy tại Tunisia và Ai Cập làm nước Mỹ bị bất ngờ thì nhiều nhà lãnh đạo ở khu vực này cho rằng nước Mỹ đứng sau các cuộc bạo động tại Lybia và Syria... Trên thực tế Mỹ và phương Tây rất hồ hởi phát động ngay cuộc chiến bằng không quân để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy chống lại nhà lãnh đạo Gaddafi. Nhưng cũng chính họ lại đắn đo khi tính toán việc can thiệp bằng quân sự vào Yemen, đặc biệt là tại Siya.
Bởi lẽ, cả hai nước Nga và Trung Quốc cũng đang quan tâm đến diễn biến của khu vực này và ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ thể hiện vai trò trung gian hòa giải rất rõ. Riêng đối với Syria, Nga đã thẳng thừng bác bỏ sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Mỹ muốn nhận được sự ủng hộ của Nga trong vấn đề Libya thì không có con đường nào khác hơn là nhường nhịn trước sự đàn áp mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối với lực lượng chống đối. Đây chính là cơ sở để Tổng thống Assad không khoan nhượng trước các yêu sách của lực lượng chống đối.
Chính vì vậy mà nhiều ngày qua, quân đội Syria đã mở cuộc tấn công toàn diện và mạnh mẽ vào nhiều tỉnh có sự chống đối của lực lượng nổi dậy. Truyền hình Syria ngày 19-6, chiếu cảnh binh lính nước này tiến vào thị trấn Maarat al-Numan nằm trên đường từ Damascus đi Aleppo. Thị trấn này cách Jisr al-Shughour chừng 40km. Quân đội cũng tiến vào Khan Sheikhoun, ở phía nam thị trấn nói trên, để ngăn chặn "các tổ chức khủng bố có vũ trang" phá hoại đường quốc lộ. LHQ cho hay ít nhất 1.100 người đã thiệt mạng trong ba tháng qua, khi chính quyền Syria dùng biện pháp quân sự mạnh mẽ dập tắt các cuộc biểu tình.
Một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, giáp với Israel, Lebanon và Iraq, đồng thời là đồng minh của Iran, Syria lâu nay duy trì một quan hệ không hòa thuận với Mỹ thể hiện qua việc ủng hộ các nhóm vũ trang tại Palestine, can thiệp vào tình hình tại Lebanon và cho phép các phần tử chống Mỹ quá giang để vào Iraq. Rõ ràng, với Mỹ, Syria là “đầu mối” của các phần tử chống Mỹ. Vì thế, nếu lựa chọn gây hấn với Damacus, Washington sẽ tự chuốc nhiều rắc rối cho mình. Các đồng minh có thể giúp ông Assad là Iran, Hezbollah ở Lebanon, các nhóm Palestine thân Iran có căn cứ tại Damacus như Hamas, Jihad Hồi giáo và Mặt trận nhân dân Palestine của Ahmad Jibril. Iran sẽ chỉ mất vài giờ bay để đưa các đơn vị Vệ binh Cách mạng tới Syria. Một cơ cấu chỉ huy Iran đã được đặt tại sở chỉ huy lực lượng vũ trang của Syria tại Damacus. Một lực lượng khác sẵn có là quân đội Mehdi của giáo sĩ cấp tiến dòng Shi’ite Iraq Moqtada Sadr, người có quan hệ tốt với ông Assad và thủ lĩnh Hezbollah. Hiện có nhiều tin đồn về việc Iran sẽ làm hết sức để cứu chính quyền Syria.
Điều đó cho thấy Mỹ và phương Tây cũng không dễ dàng gì cùng một lúc tham gia giải quyết nhiều biến cố chính trị khác nhau bùng phát ở các nước Trung Đông và Bắc Phi, nhất là trong bối cảnh các siêu cường, các lực lượng khác do những quyền lợi chi phối không thể đứng yên chờ đợi một kết quả không mong muốn.
NGUYÊN CHÂU