.

Bảo vệ giá trị Na Uy

Vì sao một đất nước giàu có, ổn định và hòa bình như Na Uy lại phải hứng chịu thảm họa kép kinh hoàng do công dân của chính quốc gia này gây ra? Động cơ của kẻ khủng bố Anders Behring Breivik thực chất là gì? Y hoạt động một mình hay có tổ chức trong nước, hoặc nước ngoài đứng sau? Cảnh sát đã phản ứng chậm chạp ở đảo Utoeya - nơi xảy ra vụ thảm sát? Hàng loạt câu hỏi đến nay vẫn chưa được giải đáp, trong khi “Ủy ban 22-7” vừa được thành lập để điều tra vụ việc chưa từng có ở quốc gia Bắc Âu này kể từ Thế chiến thứ hai đến nay.

Biểu tượng thanh bình đã sụp đổ. Tên gọi “thiên đường” giờ đây cũng không dành cho Na Uy nữa. Tuy Thủ tướng Jens Stoltenberg cam kết rằng, phản ứng của người dân nước ông với bạo lực là phải dân chủ hơn, cởi mở hơn và không khuất phục trước khủng bố, nhưng hầu hết trong 4,8 triệu công dân của đất nước này hoài nghi về công tác an ninh trên đường phố, về trách nhiệm của Chính phủ Oslo trong việc bảo vệ “thiên đường” vốn tưởng như không dễ gì đánh mất.

Thảm họa kép đã làm các nhà chức trách Na Uy giật mình. 20 triệu kroner (2,6 triệu euro) sẽ được chi để gia tăng 100 cảnh sát tại các khu vực bị ảnh hưởng. Phản ứng của Chính phủ lúc này bị cho là quá muộn màng, nhưng ông Stoltenberg không muốn nhiệm kỳ của mình lại bị nhấn chìm bởi các vụ khủng bố. Đáng chú ý là cách mà ông và Hoàng gia Na Uy đối mặt bạo lực khác hẳn với “người khổng lồ” Mỹ sau sự kiện 11-9-2001. Điều mà nhà lãnh đạo này quan tâm chính là giá trị của Na Uy không bị phá vỡ, là niềm tin của công chúng vào một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế tăng trưởng cao và phúc lợi xã hội tốt.  

Song, Helge Luraas, chuyên gia quản lý an ninh và xung đột tại Viện các vấn đề quốc tế của Na Uy, cho rằng các cuộc tấn công sẽ tác động đến bầu không khí vốn thanh bình và tạo nên những tranh cãi trong cuộc bầu cử sắp tới, ngay cả khi sự kiện tổng tuyển cử không hề liên quan đến 2 vụ khủng bố.

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.