.

Cảnh báo

Việc tin tặc tấn công vào các trang mạng ngày càng gia tăng đang gây lo ngại của nhiều nước trên thế giới. Tin tặc xâm nhập vào hệ thống mạng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quốc hội, lấy đi nhiều thông tin quan trọng hoặc làm ngừng hoạt động.

Một sự kiện đáng chú ý hôm 11-6 hệ thống mạng của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) bị tấn công. Cuộc tấn công này nghiêm trọng đến mức IMF phải ngừng mọi liên hệ điện tử với Ngân hàng thế giới để phòng ngừa. AFP dẫn đánh giá của một số quan chức cấp cao của IMF cho hay sự việc hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Do vai trò ngày càng lớn của tổ chức này trong bối cảnh thế giới biến động dữ dội về kinh tế, tài chính, nhất là khi nó đảm nhiệm vai trò trung tâm trong các chương trình cứu trợ cho Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland, cũng như xử lý các dữ liệu nhạy cảm về những nước như Mỹ, Italia mấp mé bờ vực phá sản, kho dữ liệu của IMF chứa những thông tin thuộc dạng có thể dẫn đến biến động thị trường. Đó là chưa kể dữ liệu về các cuộc trao đổi giữa những nguyên thủ quốc gia trong lúc đàm phán các điều kiện cứu trợ. Những thỏa thuận này, theo lời của một quan chức IMF, không khác “những quả bom nổ chậm về chính trị đối với nhiều nước”.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã chính thức mở cuộc điều tra. Giới chuyên gia về an ninh mạng nhận định đây là một cuộc tấn công có chủ đích, được lên kế hoạch chặt chẽ. Theo đó, tin tặc xâm nhập hệ thống của IMF bằng phương pháp “spear fishing”, đánh lừa người truy cập cung cấp thông tin thông qua những website giả mạo có giao diện giống với các trang mà nạn nhân hay sử dụng. Thông qua hành động này, tin tặc cài phần mềm được thiết kế để trở thành “nội gián điện tử” đối với từng quốc gia trong số 187 thành viên của IMF, nhằm rút tỉa thông tin đặc biệt về một nước cụ thể.

Ngày 25-7, FBI đã kết luận tin tặc tấn công IMF là từ TQ. Người phát ngôn IMF bình luận tiết lộ này đã gây áp lực lên tân Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde, người đã bổ nhiệm Chu Dân, cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc làm Phó Giám đốc điều hành IMF. Quyết định bổ nhiệm này là sự trả ơn của bà đối với việc Trung Quốc ủng hộ bà trở thành người đứng đầu IMF.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, vụ tin tặc TQ tấn công IMF sẽ được giải quyết qua đường ngoại giao hơn là con đường tòa án. IMF có các thông tin mật có thể có giá trị vô giá đối với các quỹ đầu tư quốc gia và các nhà đầu tư vào các thị trường tài chính, trong đó có thông tin chi tiết về kế hoạch cứu trợ các nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn do khủng hoảng. Khi thâm nhập vào kho dữ liệu của IMF, Trung Quốc sẽ thu lợi từ các thông tin được thảo luận trong ban lãnh đạo cao cấp của IMF về các vấn đề này.

Với kết luận điều tra này của FBI thật sự  là lời cảnh báo không thể xem thường cho nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính tiền tệ trên thế giới. Trước đây, TQ cũng bị cáo buộc là nơi xuất phát nhiều tin tặc tấn công vào các hệ thống mạng của chính phủ Canada, Hàn Quốc, Australia, Mỹ... nhưng Bắc Kinh chối bỏ trách nhiệm, cho đó là những nhóm riêng biệt. Qua vụ kho dữ liệu của IMF bị tấn công cho thấy vụ việc nghiêm trọng đến mức nào.

Chúng ta đều biết, trong sự kiện Biển Đông vừa qua hàng trăm  trang web của nước ta bị ngừng hoạt động do đề cập tới tình hình tranh chấp Biển Đông, mà theo nhiều chuyên gia, các tin tặc đều xuất phát từ TQ. Do vậy, qua sự kiện kho dữ liệu IMF bị  tin tặc xâm nhập từ TQ là bài học cho chúng ta phải cảnh giác, có ngay các biện pháp phù hợp để bảo vệ an toàn hệ thống mạng trước mắt và lâu dài.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.