.

Chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ

Chỉ còn vài tháng nữa là tròn 10 năm xảy ra cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ do Al-Qaeda thực hiện và cũng đúng chừng ấy năm chính quyền Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu.
 
Điển hình cho chiến lược chống khủng bố giai đoạn vừa qua là Mỹ và các đồng minh phát động hai cuộc chiến tranh xâm lược nhằm vào Afghanistan và Iraq dưới danh nghĩa chống khủng bố. Ngoài ra chính quyền Mỹ còn tham gia hàng loạt các cuộc “chiến tranh không tuyên bố”, các cuộc truy lùng các tổ chức khủng bố ở Pakistan, Yemen, Somalia, Sudan, Philippines, Indonesia…

Có thể nói khái quát, chiến lược chống khủng bố của Mỹ  trong 10 năm qua là giành quyền chủ động, nhiều khi là đơn phương tấn công trên các mặt trận, cho dù các nước sở tại có đồng ý hay không, nếu một khi Mỹ  xét thấy có Al-Qaeda hay các phần tử Hồi giáo cực đoan nhen nhóm hoạt động “có thể gây phương hại tới an ninh của nước Mỹ”?!  Dưới quyền Tổng thống Mỹ G.W.Bush và  người kế nhiệm Barack Obama, Washington tung cả quân đội lẫn tiềm lực kinh tế hùng hậu cho cuộc chiến chống khủng bố.

Số binh lính Mỹ thiệt mạng tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan là trên 6.000 người. Chỉ tính riêng chi phí cho chiến tranh cũng là con số đáng nể. Khi Tổng thống Barack Obama mới đây loan báo rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan, ông nói những cuộc chiến tranh Mỹ tham dự hiện nay khiến nước Mỹ tiêu tốn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, một phúc trình của viện Watson nghiên cứu về các vấn đề Quốc tế thuộc trường đại học Brown (Mỹ) phỏng đoán mức tiêu tốn này là 3.700 tỉ USD. Cuộc nghiên cứu bao gồm chi phí chiến tranh tại Iraq, Afghanistan cũng như những cuộc hành quân tại Pakistan. Bà Catherine Lutz, một trong những đồng tác giả của cuộc nghiên cứu nói: “Mức phỏng đoán hợp lý là khoảng 4.000 tỉ USD cho chiến tranh cho đến nay và bao gồm những chi phí trong tương lai mà chúng ta bắt buộc phải chi trả để chăm sóc các cựu chiến binh. Thêm vào đó là 1.000 tỉ USD tiền lãi cho các món nợ mà chúng tôi phỏng đoán là cần thiết đến năm 2020”. Bà Lutz nói những chi phí như chăm sóc lâu dài cho những cựu chiến binh bị thương, và chi phí chiến tranh từ 2012 đến 2020 bao gồm trong những con số này.

Đấy là những vấn đề lớn tác động đến cả chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ trong tình hình hiện nay. Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và vừa tuyên bố rút quân ở Afghanistan chưa phải là câu chấm hết cho cuộc chiến chống khủng bố, dù rằng mới đây họ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden. Song có một điều chắc chắn là Mỹ không thể duy trì chiến lược chống khủng bố từ thời G.G.Bush, vì nó không hiệu quả và càng ngày làm cho nước Mỹ bị phân liệt với phần còn lại của thế giới.

Chính quyền Obama phác họa một chiến lược quốc gia mới chống khủng bố, khi nói rằng Al-Qaeda bị suy yếu trầm trọng do gặp những áp lực ngày càng tăng. Ngày 29-6, ông John Brennan, cố vấn chống khủng bố hàng đầu của chính quyền đưa ra lời bình luận nói trên. Ông John Brennan nói Mỹ và những đối tác, bao gồm Pakistan và Yemen, đã làm nghẹt nguồn tài chính của Al-Qaeda và làm tiêu hao hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức này, mà cao điểm là việc giết chết Bin Laden trong một cuộc đột kích của lực lượng đặc biệt Mỹ vào Pakistan tháng trước.
 
Trong một bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Johns Hopkins, ông Brennan cũng nói là cuộc nổi dậy mùa xuân Arab tại Trung Đông đã phá hoại ý thức hệ của Al-Qaeda  và khả năng của tổ chức này thu hút nhân lực mới. Tuy nhiên, ông Brennan nói, những tổ chức khủng bố và các quốc gia hỗ trợ khủng bố sẽ tìm cách lợi dụng những bất ổn mà những thay đổi đôi khi có thể mang lại. Đáng chú ý, Brennan đưa ra 4 nguyên tắc căn bản cho nỗ lực chống khủng bố của Mỹ trong giai đoạn mới là: gắn bó với những giá trị căn bản của Mỹ; kiên trì phục hồi sau một cuộc truy lùng lực lượng khủng bố thành công; xây dựng những đối tác chống khủng bố với các quốc gia khác; và sử dụng những công cụ và khả năng thích hợp trong việc tấn công  vào lực lượng khủng bố.

Thực ra chiến lược này không có gì nổi bật, chỉ có sự thay đổi nhận thức là Mỹ chú trọng tới việc xây dựng các đối tác chống khủng bố chứ không đơn phương hành động như chính quyền G.W.Bush từng làm. Hay nói cách khác, chính sách siêu cường duy nhất bị lu mờ mà thay vào đó là hợp tác đa phương trong cuộc chiến chống khủng bố.

NGUYÊN CHÂU


 
;
.
.
.
.
.