.

Chung - riêng ?

Hành trình đi tìm tiếng nói chung giữa Nga và NATO xung quanh việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa kéo dài mấy năm qua, thậm chí có lúc trở nên căng thẳng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO tại  khu nghỉ Sochi bên bờ Biển Đen (Nga) diễn ra hôm 4-7, nhưng theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hai bên đã không thể nhất trí với nhau về việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn bày tỏ: "Chẳng có gì là bí mật lớn khi nói chúng tôi vẫn chưa đạt được thỏa thuận về cách thức triển khai lá chắn tên lửa chung".

Hồi tháng 11-2010, Nga và NATO đã đồng ý sẽ hợp tác với nhau về cái gọi là lá chắn tên lửa châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon. Tuy nhiên, trong khi NATO nhấn mạnh nên có hai hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập để trao đổi thông tin với nhau thì Nga lại ủng hộ việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung với sự tương tác toàn diện ở mức cao nhất. Chính sự chung riêng này đã làm cho Nga và NATO có rất nhiều dị biệt khi đề cập đến việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa.

Theo một đề xuất được Tổng thống Dmitry Medvedev đưa ra mới đây, Nga sẽ chịu trách nhiệm bắn hạ những tên lửa nhằm vào các thành viên NATO mà bay qua không phận hoặc khu vực của Nga. Trong khi đó, các nước thành viên NATO cam kết bảo vệ Nga theo cách thức tương tự.

Để trấn an Nga và dư luận, Tổng thư ký NATO - ông Anders Fog Rasmussen nói rằng NATO muốn hợp tác với Nga về vấn đề lá chắn tên lửa nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Rasmussen bày tỏ hy vọng hai bên sẽ giải quyết được những bất đồng liên quan đến vấn đề này trong vòng một năm nữa tại hội nghị thượng đỉnh ở Chicago (Mỹ). Theo mong muốn của ông Rasmussen, thỏa thuận đạt được giữa hai bên về lá chắn tên lửa châu Âu sẽ bảo đảm an ninh cho cả Nga và các nước thành viên NATO đồng thời làm cho hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn.

Dư luận đều biết, Moscow từ lâu đã phản đối kế hoạch của NATO trong việc triển khai các bộ phận của lá chắn tên lửa gần khu vực biên giới nước này. Theo Moscow, kế hoạch đó là một mối đe dọa an ninh đối với nước Nga và nó sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến lược của các lực lượng ở châu Âu. Cho nên, việc Nga muốn hình thành một hệ thống phòng thủ tên lửa chung giữa Nga với NATO sẽ dễ bề kiểm soát khi Moscow cảm thấy an ninh nước mình bị đe doạ. Ngược lại, NATO muốn có hai hệ thống phòng thủ tên lửa riêng biệt để không bị lộ bí mật, không chia sẻ các thông tin, và  không bị  Nga chi phối  khi cần thiết phải hành động nhằm ngăn chặn một đối tác nào đó. Ý định đó của NATO cũng nằm trong kế hoạch của Nga, khi trước đó không ít lần  nhà lãnh đạo Điện Kremlin bày tỏ rằng,  một khi không xây dựng được một hệ thống phòng thủ tên lửa chung, thì Moscow sẽ hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của mình để đối phó với mối đe doạ an ninh quốc gia đến từ châu Âu và các nước khác.

Thực ra, trong những năm qua, những dị biệt trong chuyện chung-riêng giữa Nga với NATO đâu chỉ có việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa, mà có hàng loạt các vấn đề khác như cuộc chiến ở Libya, Afghanistan hay vấn đề hạt nhân của Iran... Bề ngoài cả hai đều cố làm ra vẻ sẽ thu hẹp bất đồng, nhưng bên trong chứa đựng nhiều mâu thuẫn và khó tìm được tiếng nói chung của chuyện chung hay riêng vì lòng tin của họ giành cho nhau có hạn.                                              

NGUYÊN CHÂU

;
.
.
.
.
.