.

Nỗi lo khủng bố

Càng gần đến dịp kỷ niệm 10 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ (11-9-2001), chính quyền nước này càng hết sức lo ngại về các cuộc tấn công của Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Nhất là sự kiện trùm khủng bố Osama bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Pakistan, Nhà Trắng đang nỗ lực ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trả thù. Tuy nhiên, mối đe doạ khủng bố hiện  không chỉ đến từ bên ngoài mà ngay tại nước Mỹ cũng là thách thức vô cùng nghiêm trọng.

Bộ An ninh Nội địa (DHS) Mỹ tiến hành hàng loạt chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố và thực hiện khá nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng mối đe dọa vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Kênh tin tức ABC News vừa đưa tin DHS Mỹ ngày 19-7 phát đi một cảnh báo khủng bố có tựa đề “Mối đe dọa từ bên trong đối với các nhà máy dịch vụ công”. Lời cảnh báo chỉ rõ rằng “trên thực tế, các phần tử cực đoan đã được sắp xếp vào làm tại nhiều vị trí trong các nhà máy trên” và chúng có thể lợi dụng những vị trí của mình để tiến hành các vụ tấn công bạo lực và tấn công mạng với danh nghĩa Al Qaeda.

Nguồn tin cũng cảnh báo nội gián trong một nhà máy quan trọng, như nhà máy hóa chất và lọc dầu, có thể tiếp tay cho Al Qaeda thực hiện một vụ tấn công lớn khi gần đến ngày tưởng niệm biến cố 11-9 ở Mỹ. Bằng chứng mà giới chức của DHS phát hiện trong các tài liệu thu được trong chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của Mỹ hồi tháng 5 vừa qua tại Pakistan, đã khiến họ tin rằng thủ lĩnh của những kẻ cực đoan đã tìm cách tiến hành một vụ tương tự như vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Trả lời ABC News, cựu quan chức cấp cao DHS Chad Sweet nói: “Trên thực tế, cách duy nhất để thảm sát vô số người Mỹ mà  Osama bin Laden đã tính đến là sử dụng cơ sở hạ tầng mang tính sống còn này. Căn cứ vào thống kê đáng tin cậy về các vụ việc trước đó, chúng tôi tin vào phán đoán của mình rằng những kẻ tay trong và những hoạt động của chúng đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng tới hệ thống cơ sở hạ tầng và thông tin trong các nhà máy của Mỹ”.

Trước đó, DHS cũng lên tiếng báo động về mối đe dọa tiềm ẩn từ những kẻ khủng bố phẫu thuật cấy chất nổ hoặc các thành phần gây nổ vào cơ thể để thực hiện các vụ tấn công. DHS cùng với Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ gửi thông điệp tương tự đến các quan chức an ninh cả nước, trong đó gợi ý một số chi tiết để nhận biết các trường hợp cấy bom như bụng phình to hoặc các cục u bất thường trên cơ thể và đối tượng cảm thấy khó chịu khi bị khám người. Cấy ghép bom hoặc hàng lậu không phải là phát hiện mới, nhưng các nguồn tin an ninh Mỹ cho biết nhiều khả năng các nhóm khủng bố đang quay trở lại sử dụng biện pháp này. Một quan chức Mỹ tiết lộ tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Ả Rập đang nghiên cứu việc đưa bom vào cơ thể người. Năm ngoái, Chính phủ Anh cũng có một nguồn tình báo cho biết Al Qaeda có kế hoạch cấy bom vào cơ thể những kẻ đánh bom liều chết.

Ngày 29-6, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh nội địa và chống khủng bố John Brennan đã công bố chiến lược quốc gia mới về chống khủng bố. Theo đó Wasington sẽ “kiên quyết tiêu diệt” mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda trong khi vẫn tập trung chiến lược chống khủng bố của mình vào việc đối phó với mối đe dọa khủng bố ngay từ trong nước. Điều đó cho thấy  chính quyền Mỹ đang nâng tầm về mối đe dọa khủng bố từ nội địa ngang với bên ngoài. Đây là sự khác biệt so với 10 năm trước, khi ấy, các vụ tấn công khủng bố đến từ bên ngoài chiếm vị trí hàng đầu.

N.C
;
.
.
.
.
.