.

Quảng trường Tahrir vẫn chưa lặng sóng

Cuộc bạo loạn chính trị bắt đầu từ Quảng trường Tahrir hồi đầu tháng 1 năm nay đã dẫn đến kết quả là ngày 10-2, sau gần 30 năm cầm quyền, Tổng thống Ai Cập Mubarak đã phải ra đi, trao quyền lãnh đạo lại chính phủ lâm thời dưới sự hậu thuẫn của quân đội.

Tuy nhiên, 5 tháng trôi qua, Ai Cập vẫn chìm trong bất ổn. Chính phủ lâm thời tiến hành nhiều đợt cải tổ chính phủ, xóa bỏ hệ thống chính quyền do đảng của Tổng thống Mubarak lãnh đạo trước đây, bắt nhiều quan chức bị cáo buộc tham nhũng, sa thải, truy tố một số  quan chức cảnh sát , an ninh có hành động đàn áp những người chống đối, nhưng những người đòi cải cách vẫn không hài lòng. Người biểu tình yêu cầu chính quyền quân sự thực hiện lời hứa và giới hạn thời gian bàn giao quyền lực cho chính quyền dân sự, đồng thời yêu cầu lực lượng quân đội trở lại doanh trại, cũng như ngừng xét xử dân thường tại các tòa án quân sự. Người biểu tình cũng yêu cầu chính quyền nhanh chóng xét xử cựu Tổng thống Mubarak và các thành viên trong gia đình ông, cùng các bị cáo liên quan tới vụ sát hại người biểu tình. Họ cho hay không hài lòng với nhịp độ của cải cách và tiếp tục thức cầu nguyện tại Quảng trường Tahrir. Một số người dựng lều tại quảng trường cách đây hai tuần và nói sẽ ở lì nơi đó cho đến khi nào những đòi hỏi của họ được đáp ứng.

Trong khi đó, hàng nghìn người tiếp tục  biểu tình ở trung tâm thủ đô Cairo, Alexandria và Suez kêu gọi chính quyền thực hiện các nguyện vọng của người dân. Từ ngày 22-7, tại Quảng trường Tahrir, Phong trào Thanh niên đã kêu gọi và tổ chức biểu tình, với khoảng hơn 2.000 người tham gia. Những người biểu tình tiếp tục đưa ra các yêu sách đòi chính phủ đẩy nhanh quá trình cải cách chính trị, kinh tế… đáp ứng những nguyện vọng của người dân, kêu gọi thả các tù nhân chính trị bị giam giữ trước đây, cũng như nhanh chóng đưa cựu Tổng thống Mubarak ra xét xử với các tội danh lạm dụng quyền lực, biển thủ công quỹ… Đã xảy ra một cuộc đụng độ lớn giữa các nhóm biểu tình. Tới giữa đêm 23-7 (theo giờ địa phương), theo nguồn tin của bệnh viện quân đội Ai Cập, ít nhất đã có 145 người bị thương trong cuộc đụng độ giữa các nhóm biểu tình ở quận Abbasyia, gần trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Cairo. Các nhân chứng cho biết, một nhóm thanh niên bịt mặt được trang bị gậy gộc, chai xăng đã tấn công đoàn người biểu tình tại khu vực Abbasyia. Đây là nguyên nhân chính ngây nên đụng độ. Theo các nguồn tin, khoảng 3.000 - 4.000 người thuộc các lực lượng chính trị khác nhau đã tham gia biểu tình tại đây. Đây cũng là cuộc đụng độ có số người bị thương lớn nhất kể từ sau khi chế độ của cựu Tổng thống Mubarak sụp đổ hồi đầu tháng 2 vừa qua.

Trong khi đó Tổ chức anh em Hồi giáo lên tiếng kêu gọi biểu tình với quy mô lớn tại Quảng trường Tahrir và các khu vực khác trên toàn quốc trong ngày 29-7 tới.

Các hoạt động biểu tình vẫn tiếp diễn, bất chấp chính phủ của Thủ tướng Essam Sharaf đã nỗ lực cải tổ theo yêu cầu của người biểu tình. Trong ngày 21-7, với hơn một nửa số Bộ trưởng được thay thế, Chính phủ Ai Cập đã chính thức ra mắt và cam kết thực hiện các ưu tiên đối nội trong thời gian tới. Phát biểu trước Hội đồng Quân sự tối cao cầm quyền, Thủ tướng Ai Cập Essam Sharaf nhấn mạnh những ưu tiên của chính phủ trong thời gian trước mắt là tập trung khôi phục tình hình an ninh trong nước và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc bẩu cử Quốc hội dự kiến vào tháng 9 tới.

Những cơn sóng giận dữ  tiếp tục diễn ra ở Quảng trường Tahrir cho thấy tình hình chính trị ở Ai Cập rất phức tạp và khó ổn định, nhất là khi nhịp độ cải cách chậm, chưa triệt để xử lý nạn tham nhũng trong bộ máy chính quyền cũ, và các vụ đàn áp, giết hại người biểu tình trong mấy tháng qua. Ngoài ra không loại trừ có bàn tay từ nước ngoài và  của Al-Qaeda nhúng vào vì lợi ích riêng rẽ. Diễn biến đó ở Ai Cập cũng là vấn đề chung khá gai góc  hiện nay ở nhiều nước thuộc  khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong phong trào cái gọi là “Cách mạng mùa xuân”.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.