Do thâm hụt ngân sách năm 2011 lên đến 1.500 tỷ USD làm cho nợ Liên bang của Mỹ lên tới kịch trần 14.300 tỷ USD trong bối cảnh bế tắc chính trị về kế hoạch thâm hụt dài hạn đã ngăn cản việc nâng mức nợ trần này. Tổng thống Mỹ Obama đã có hàng loạt các cuộc gặp thảo luận với lãnh đạo hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, cuộc họp với các cố vấn cấp cao nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng này, song vẫn không có kết quả do sự chia rẽ đảng phái vô cùng sâu sắc.
Hiện vẫn còn nhiều chướng ngại cho hai dự luật nhằm cắt giảm chi tiêu công, nâng giới hạn mức nợ liên bang để tránh cho Mỹ khỏi rơi vào tình trạng vỡ nợ. Chính quyền của ông Obama nói rằng ngày 2 tháng 8 là kỳ hạn chót để nâng mức trần nợ quốc gia. Qua ngày đó, các giới chức Bộ Tài chính cho biết Chính phủ Liên bang sẽ phải dựa vào thu nhập thuế không thôi để tài trợ cho các hoạt động của Chính phủ. Các thu nhập đó không đủ để trang trải các chi tiêu trong và ngoài nước, trong khi còn phải thanh toán khối nợ quốc gia khổng lồ.
Số liệu cho thấy, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải ngừng thanh toán 40 - 45% hay trị giá 134 tỷ USD của 80 triệu hóa đơn mà bộ này phải thanh toán hằng tháng. Nếu Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thanh toán nợ, các phúc lợi y tế và an sinh xã hội, bảo hiểm các nhà thầu quân sự và bảo hiểm thất nghiệp, thì bộ này sẽ phải đóng cửa Bộ Tư pháp và Lao động, ngừng hoạt động xây dựng đường sá, các vấn đề của cựu chiến binh, nghiên cứu y tế, ngừng hoạt động ủng hộ kinh doanh nhỏ và một loạt hoạt động khác.
Tổng thống Obama gọi sự kiện này là một “tận cùng tài chính”, khi con đường lập pháp nhằm ngăn tránh một cuộc khủng hoảng nợ nần dường như vẫn còn ảm đạm hơn bao giờ hết. Trưởng khối đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Harry Reid của Đảng Dân chủ đã bác bỏ một đề nghị được Chủ tịch Hạ viện John Boehner của Đảng Cộng hòa đưa ra, theo đó thâm hụt ngân sách được cắt giảm và mức trần nợ được nâng lên trong hai giai đoạn. Ông Reid nói: “Đây là một sự chấn chỉnh ngắn hạn mà phía Cộng hòa biết là sẽ không được sự ủng hộ của phía Dân chủ tại Nhà Trắng và Quốc hội. Họ biết rằng kế hoạch của phía Cộng hòa sẽ không được Thượng viện Mỹ thông qua”.
Ngay sau đó, thành viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, trưởng khối thiểu số Mitch McConnell, đả kích một kế hoạch do Thượng nghị sĩ Reid đề xuất, cũng cắt giảm chi tiêu nhưng cho phép tăng quyền vay mượn của Liên bang ở quy mô lớn. Ông McConnell nói: “Chúng tôi sẽ chống lại bất cứ kế hoạch nào tưởng như giải quyết được vấn đề, nhưng thực sự là không. Vị trưởng khối đa số đã đề nghị một kế hoạch hồi hôm qua chẳng hơn gì một cố gắng che mắt đánh lừa dân chúng Mỹ”. Thực trạng đó phản ánh một cách rõ ràng nhất là cuộc quyết đấu giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ và đẩy Nhà Trắng vào thế kẹt, làm cho Tổng thống Obama mất lợi thế để khởi động cho chiến dịch chạy đua nhiệm kỳ hai vào năm tới.
Như vậy, cùng với cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở một số nước của châu Âu, vấn đề vỡ nợ của nước Mỹ rất có thể xảy ra trong vài ngày tới là sự kiện có một không hai ở nước này. Theo các nhà phân tích và quan chức Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu một cú sốc nghiêm trọng nhất trong lịch sử, nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 nếu Nhà Trắng và Quốc hội vẫn không đạt được thỏa thuận chính trị về nâng mức hạn vay nợ của Chính phủ Mỹ đưa ra. Nó sẽ chặn đứng tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của Mỹ và tạo ra những lo âu về tài chính cho khắp thế giới. Đồng thời các tổ chức đánh giá tín dụng sẽ hạ thấp giá trị của trái phiếu mà Chính phủ Mỹ bán cho các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã chính thức lên tiếng cảnh báo một sự vỡ nợ như vậy sẽ là thảm họa tài chính có quy mô toàn cầu.
Những dấu hiệu xuất hiện rõ nét nhất trước món nợ công của Chính phủ Mỹ chưa được hóa giải là thị trường chứng khoán New York đang “lao đao”, đồng USD sụt giá nghiêm trọng, tạo đà cho giá dầu, giá lương thực, giá vàng... tăng nhanh.
NGUYÊN CHÂU