.

Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Sự kiện hôm mùng 2-5, biệt kích Mỹ đột nhập vào thành phố Abbottabad giết chết Osama bin-Laden mà nước chủ nhà không hề hay biết đang tiếp tục  làm cho quan hệ Mỹ - Pakistan trở nên căng thẳng. Chính quyền Pakistan coi hành động đó của Mỹ là một vi phạm chủ quyền quốc gia nghiêm trọng. Quân đội Pakistan, một lực lượng có vai trò rất lớn trên chính trường nước này cũng cảm thấy bị sỉ nhục bởi hành động của Mỹ.

Từ đó đến nay hai bên có lời qua tiếng lại khá nhiều. Dưới áp lực của các nghị sĩ Mỹ đòi điều tra một cách kỹ lưỡng ai bao che bin Laden tại nước này trong nhiều năm mà không bị phát hiện và yêu cầu Nhà Trắng cắt khoản viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Pakistan vì lý do không hợp tác toàn diện trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhà Trắng đã tạm ngưng khoản viện trợ 800 triệu USD trong năm 2011. Tuy vậy, Nhà Trắng cũng ý thức được rằng, cuộc chiến chống khủng bố  nói chung và  ở khu vực Nam Á nói riêng, nếu không có sự tham gia của Pakistan thì mọi nỗ lực cũng trở thành công cốc. Do vậy, Washington cũng đã cử nhiều quan chức cấp cao đến Islamabad để hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà, nhằm hàn gắn quan hệ song phương.

Nhưng xem ra, có lẽ nắm được “gót chân Asin” của Washington, Islamabad ngay lập tức đã có thái độ phản ứng cứng rắn, không chấp nhận bất cứ điều kiện gì Mỹ đặt ra trong vấn đề viện trợ. Pakistan có những bước đi làm cho Mỹ vô cùng lúng túng. Các giới chức Pakistan ngày 1-8 cho hay khi hội đàm với đại diện đặc biệt của Mỹ tại Pakistan và Afghanistan, ông Marc Grossman, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã nói rằng: Mỹ phải định nghĩa rõ ràng và cụ thể về cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Zardari khẳng định quan hệ bền vững, lâu dài giữa hai nước phải dựa trên quyền lợi hỗ tương, lòng tin cậy, và tôn trọng lẫn nhau. Điều này hàm ý là Mỹ đã có những hoạt động tình báo quân sự mà không thông báo cho nước chủ nhà, vi phạm đến chủ quyền  là  không thể chấp nhận.

Trước đó, ngày 31-7, Pakistan áp đặt những hạn chế mới đối với việc đi lại của các giới chức ngoại giao Mỹ sống tại nước này, dấu hiệu mới nhất cho thấy các quan hệ giữa hai nước càng tệ hơn kể từ khi lực lượng đặc biệt của Mỹ mở cuộc đột kích và hạ sát cựu thủ lãnh al-Qaeda bin Laden. Các nguồn tin ngoại giao cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad đã nhận được một văn thư từ Bộ Ngoại giao Pakistan, qui định những hạn chế mới về việc khi nào các nhà ngoại giao Mỹ có thể ra khỏi thủ đô, và ra khỏi bằng cách nào. Thông tấn xã Associated Press, có được một bản sao của văn thư, loan tin thông cáo này đòi tất cả mọi nhà ngoại giao Mỹ phải nộp đơn xin phép đặc biệt 5 ngày trước khi ra khỏi thủ đô. Truyền thông Pakistan còn cho hay các đặc sứ Mỹ ra khỏi Islamabad trước đây trong tháng đến thành phố Peshawar ở tây bắc đã  bị chính quyền sở tại từ chối không cho vào vì không có giấy chứng nhận của nhà chức trách.

Nhưng rõ ràng, nếu xem xét kỹ người ta sẽ thấy, Mỹ và  Pakistan đều không thể chịu nổi hậu quả của sự đoạn tuyệt. Đối với Mỹ, Pakistan có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, sự an toàn kho vũ khí hạt nhân, giúp Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan... Còn Pakistan thì cần nguồn viện trợ của Mỹ, các khoản vay phục hồi kinh tế ở IMF, vấn đề an ninh trong khu vực và cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.

Do vậy, trong khoảng thời gian nhất định, quan hệ giữa Mỹ và  Pakistan sẽ “bằng mặt, nhưng không bằng lòng” vì khó có thể có sự thay đổi mang tính thực chất vì có quá nhiều dị biệt.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.