.

Bước khởi đầu lạc quan

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11-2010 trong kế hoạch “dân sự hóa”  bộ máy Nhà nước do quân đội kiểm soát kéo dài gần 50 năm sang dân sự, chính quyền mới của Myanmar đã thúc đẩy nhiều cải cách về chính trị, kinh tế và xã hội. Trong đó có hai mục tiêu gây sự quan tâm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế là bình thường hóa quan hệ với Mỹ và phương Tây, cũng như đối thoại với phe đối lập trong nước.

Sự kiện thu hút giới truyền thông mấy ngày qua là  chuyến đi của bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ Liên minh Dân chủ toàn quốc Myanmar (NLD) đến Naypidaw, thủ đô mới của nước này. Tuyên bố với báo chí tại thủ đô Naypidaw ngày 20-8, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra rất hài lòng về cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống dân sự Thein Sein. Bình luận đầu tiên về cuộc nói chuyện dài khoảng một giờ với Tổng thống Thein Sein, bà  Aung San  nói rằng: “Tôi hài lòng và thậm chí cảm thấy được khích lệ”. Cho dù nội dung cuộc tiếp xúc kín đáo giữa hai người chưa được tiết lộ, nhưng giới quan sát đã ghi nhận rằng đây là một cuộc gặp gỡ hiếm hoi giữa bà Aung San Suu Kyi với nhà lãnh đạo Myanmar.

Còn báo chí  của chính quyền  Myanmar cho biết Tổng thống Thein Sein và nhà đối lập Aung San Suu Kyi đều tỏ ra “mong muốn hợp tác vì lợi ích quốc gia”. Nhật báo bằng tiếng Anh New Light of Myanmar cho biết hai bên đối thoại đã “cố gắng tìm kiếm những điểm chung, gác lại những bất đồng để hợp tác vì lợi ích quốc gia và nhân dân”. Một quan chức Chính phủ cũng cho AFP biết là cuộc tiếp xúc đã diễn ra “khá tốt đẹp và khá cởi mở”.

Trước đó, ngày 12-8  trong cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động Myanmar, trong vòng gần một giờ tại thủ đô cũ Rangoon, bà Aung San Suu Kyi đã chấp thuận hợp tác với Chính phủ để bảo đảm phát triển và ổn định tình hình đất nước. Sau buổi làm việc lần này, hai bên đã nhất trí “hợp tác để bảo đảm ổn định, bình yên và phát triển đất nước” và đây là việc làm nhằm “đáp ứng nhu cầu thực sự của toàn dân”. Cùng ngày, tại một cuộc họp ở thủ đô mới Napyidaw, Bộ trưởng Thông tin Kyaw Hsan cũng đã thể hiện một thái độ hòa giải với bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà là NLD, qua phát biểu: “Với quan điểm hòa giải dân tộc, Chính phủ đang giải quyết vấn đề của NLD một cách thận trọng, bằng cách đưa ra một cơ hội cho bà Aung San Suu Kyi nhằm phục vụ lợi ích quốc gia”.

Diễn biến liên quan ngày 3-8, Thượng viện Mỹ đã chuẩn y việc bổ nhiệm ông Derek Mitchell làm Đặc sứ đầu tiên chuyên trách Myanmar, với hàm đại sứ. Theo AFP, ông Derek Mitchell từng là chuyên gia về các vấn đề châu Á, và hiện là một trong những quan chức cao cấp tại Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách về an ninh châu Á và Thái Bình Dương. Ông sẽ là người đầu tiên giữ chức vụ Đặc sứ về Myanmar, được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2008. Trước đó, việc bổ nhiệm ông Derek Mitchell đã gặp nhiều phản đối do phe đối lập Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cho rằng chính quyền Myanmar vẫn là một chế độ quân phiệt, ngụy trang dưới vỏ bọc dân sự. Quan hệ Mỹ - Myanmar căng thẳng, chủ yếu là vì những áp lực mà nhà đối lập Aung San Suu Kyi gánh chịu. Vào cuối năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu đàm phán với chính quyền quân sự Myanmar, sau khi nhận thấy rằng các biện pháp trừng phạt không đủ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo nước này.

Theo các nhà quan sát, cùng với những động thái  tích cực của chính quyền Washington, của LHQ, thì cuộc gặp giữa Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi - nằm trong một loạt các động thái hòa giải gần đây của Chính phủ dân sự Myanmar - đạt được thỏa thuận có tính bước ngoặt là bước khởi đầu lạc quan cho tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị nước này như mục tiêu của tân Chính phủ tuyên thệ trước Quốc hội. Nếu kết quả này tiến triển thuận lợi thì nó không những phá vỡ thế cô lập giữa Myanmar với thế giới bên ngoài mà còn góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định ở khu vực  Đông Nam Á và trên thế giới.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.