.

Chuyển dịch trọng tâm chiến lược

Q  ua quan sát các hoạt động của Washington từ năm 2010 và đầu 2011 cho thấy Mỹ đang chuyển dịch một cách mạnh mẽ trọng tâm chiến lược toàn cầu sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về quân sự, Mỹ liên tiếp cùng Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Thái Lan... tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn; đồng thời nâng cao toàn diện quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn. Về ngoại giao, Mỹ luôn tuyên bố công khai chính sách châu Á nhằm phát huy “vai trò lãnh đạo”, lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi tới các nước châu Á. Về kinh tế, Mỹ tham gia “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”, đồng thời lôi kéo, vận động Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác tham gia. Đến nay có thể nói, biện pháp và bố cục của Mỹ trong việc phát huy vai trò “lãnh đạo châu Á” đã cơ bản rõ ràng.

Có bốn lý do mà Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược: Thứ nhất, khi Tổng thống Obama lên cầm quyền năm 2009, mặc dù rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng Mỹ vẫn tiếp tục điều chỉnh chiến lược về quân sự, ngoại giao. Mỹ kết thúc sứ mệnh ở Iraq; thời kỳ chiến tranh lạnh Xô - Mỹ đã chấm dứt, Mỹ muốn tái khởi động quan hệ với Nga; Mỹ La-tinh đã được Mỹ coi là “sân sau” của mình; các nước châu Phi vẫn trong khu vực “bị lãng quên”. Như vậy, vấn đề quan tâm còn lại của Mỹ hiện nay chính là châu Á.
 
Thứ hai, trong gần 10 năm Mỹ tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố và các cuộc chiến Iraq, châu Á đã xuất hiện một chu kỳ phát triển mới, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là đại diện, đã khiến cho tầm quan trọng của khu vực này vượt lên các khu vực khác trong nền kinh tế toàn cầu. Khi ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton trình bày chính sách châu Á của Mỹ tại Hawaii đã chỉ rõ: “Phần lớn lịch sử của thể kỷ 21 sẽ được viết tại châu Á. Khu vực này sẽ xuất hiện sự tăng trưởng kinh tế mang tính thay đổi nhất, rất nhiều thành phố của châu Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa toàn cầu”.
 
Thứ ba, một nhân tố không thể xem nhẹ khiến Mỹ đặt trọng tâm chiến lược tại châu Á là muốn cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong gần 10 năm qua, Mỹ đã đánh mất vai trò của mình tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đã thành công trong việc lấp khoảng trống quyền lực tại khu vực này. Thứ tư, việc Mỹ coi châu Á là trọng tâm chiến lược cũng xuất phát từ nhu cầu lợi ích quốc gia và chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm” và “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” được công bố lần đầu tiên kể từ khi Obama lên cầm quyền, đã chỉ rõ: Lợi ích quốc gia của Mỹ do 4 phương diện cấu thành là an ninh, phồn vinh, giá trị và trật tự quốc tế. Những nhà quyết sách Mỹ cho rằng so với các khu vực khác trên thế giới, châu Á là khu vực nhiều triển vọng nhất đối với Mỹ.

Thể hiện rõ nét nhất, ngày 15-8, tại diễn đàn Lãnh đạo Mỹ-Australia ở thành phố Perth (Tây Australia), trả lời phỏng vấn báo The Australian về các sự cố xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật, Việt Nam và một số nước ASEAN khác trên các vùng biển quốc tế, đặc biệt ở Biển Đông và biển Nhật Bản, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell cho hay: “Tôi nghĩ cần phải đưa ra cho châu Á một thông điệp rõ ràng và cơ bản: Các cam kết an ninh và kinh tế của Mỹ ở châu Á vẫn vững bền như trước nay dẫu Mỹ đang có nhiều vấn đề về kinh tế. Tôi cho rằng khó khăn về kinh tế ở châu Âu và Mỹ về cơ bản sẽ không làm ảnh hưởng đến kinh tế châu Á”.

Rõ ràng sự chuyển dịch chiến lược toàn cầu của Mỹ sang châu Á không chỉ đơn thuần vì lý do nội tại mà xuất hiện các biến cố bên ngoài tác động trực tiếp, nên thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận khu vực và thế giới.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.