Kỳ vọng của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ cách đây hơn 10 năm là hy vọng rằng bước vào thế kỷ XXI, nhân loại sẽ đạt được nhiều mục tiêu trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo...
Thế nhưng trên thực tế, tình hình thế giới thập niên qua lại trở nên phức tạp bội phần. Hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan với quy mô lớn xuất hiện ngay vào những năm đầu thế kỷ và nay có thêm cuộc chiến ở Libya. Bên cạnh đó, nhiều cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng, xung đột nghiêm trọng ở hàng chục quốc gia như Tunisia, Yemen, Syria, Ai Cập, Pakistan, Somalia, Na Uy, Ấn Độ... đã cướp mạng sống hàng chục vạn người, đẩy nhiều triệu người vào cảnh tị nạn, an ninh bất ổn.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu khởi sự từ năm 2008 làm cho nhiều nền kinh tế lao đao. Hiện nay món nợ công của Mỹ và nhiều nước châu Âu đang đe dọa tới sự phục hồi kinh tế và rất có thể thế giới lại đứng trước nguy cơ suy thoái tiếp theo.
Không những vậy, vấn đề nổi cộm hiện nay của thế giới do tác động nhiều chiều như chiến tranh, xung đột sắc tộc-tôn giáo, khủng hoảng kinh tế, hạn hán do biến đổi khí hậu... làm cho tình trạng thiếu lương thực, giá cả cao. Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay mặc dù giá lương thực bình quân có thấp hơn so với đỉnh điểm hồi tháng 2-2011, nhưng nó vẫn đang cao hơn 1/3 so với năm ngoái. WB cho biết giá ngô đã tăng 84% và giá lúa mì tăng 55%. WB cảnh báo rằng quỹ dự trữ lương thực thế giới đang thấp ở mức báo động, và điều này chẳng những gia tăng bất ổn mà còn làm cho giá cả thêm biến động. Chủ tịch WB Robert Zoellick nói trong một thông cáo mới đây: “Giá cả lương thực gia tăng liên tục và dữ trự lương thực ở mức thấp cho thấy chúng ta vẫn còn ở trong vòng nguy hiểm; và những người dễ bị tổn hại nhất lại là những người ít có khả năng đối phó nhất”.
Hệ quả là nạn đói nghèo đã xảy ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực châu Phi. Trong đầu tháng 7 vừa qua, Hệ thống mạng lưới cảnh báo sớm nạn đói (FEWS-Net) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho các khu vực rộng lớn ở miền nam Somalia, phía đông nam Ethiopia, và đông bắc Kenya, nạn đói có thể lên đến đỉnh cao lan rộng nếu các điều kiện hiện tại không được giải quyết. WB cho biết, trong ba tháng vừa qua đã có 29.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì đói ở Somalia và 600.000 trẻ em ở khu vực này vẫn còn bị đe dọa trong cuộc khủng khoảng vốn đe dọa sinh mạng của 12 triệu người.
Ngày 20 -7, LHQ chính thức tuyên bố nạn đói trong một số bộ phận của miền nam Somalia, lần đầu tiên kể từ khi nạn đói Ethiopia 1984-1985, khi hơn một triệu người chết. Hàng chục ngàn người được cho là đã chết ở miền nam Somalia trước khi công bố bày được đưa ra.
Thảm họa nhân loại là vậy, nhưng việc thiếu nghiêm trọng của kinh phí viện trợ quốc tế, cùng với các vấn đề an ninh trong khu vực, đã cản trở phản ứng nhân đạo cho cuộc khủng hoảng. Nhiều nước giàu đưa ra các cam kết viện trợ hàng tỷ USD nhưng chỉ dừng lại trên diễn đàn và trên giấy nên các tổ chức quốc tế không lấy đâu ra tiền để mua lương thực cứu trợ. Hơn thế, tình trạng bất ổn ngay tại các khu vực có nạn đói diễn ra làm cho các tổ chức nhân đạo không sao tiếp cận được để vận chuyển lương thực và cứu người.
Một thế giới an bình, không có chiến tranh, không có xung đột sắc tộc-tôn giáo, ngăn chặn hiệu quả bệnh tật và giảm đói nghèo… tiếp tục là khát vọng lớn lao của hàng tỷ tỷ người, nhất là ở khu vực châu Phi, châu Á, nơi có số dân đông đúc. Hiện mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người trên thế giới chết đói ngay trên mảnh đất của họ hay trong các trại tỵ nạn, các khu vực có xung đột là nỗi đau khôn cùng của nhân loại có lương tri. Thế nhưng, những kẻ say máu chiến tranh, những nhà lãnh đạo lạnh lùng vẫn lao vào cuộc chiến, vẫn không chịu trút hầu bao để cứu hàng triệu người quằn quại trong cơn đói khát, bệnh tật, thật đau xót biết nhường bao! Mục tiêu thiên niên kỷ còn lắm dở dang.
NGUYÊN CHÂU