Trong những năm cuối thập niên 1990, Trung Quốc đã mua lại vỏ một chiếc tàu sân bay của Ukraina. Tàu này đã được đóng tại Liên bang Xô viết trong thập niên 1980, nhưng quyền sở hữu đã được chuyển sang Ukraina, sau khi chính quyền cộng sản liên bang Nga sụp đổ.
Kể từ đó, con tàu Varyag (TQ đặt tên Thi Lang) đã gây nhiều đồn đoán và trở thành một đề tài thảo luận trong nội bộ giới quân sự. Trong vài tuần qua, Đài truyền hình Nhà nước TQ và các trang mạng quân sự hàng ngày vẫn theo sát tin tức về tiến trình chuẩn bị cho tàu ra khơi. Dư luận biết rằng chuyến ra biển của tàu đã gần kề khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ, ông Cảnh Nhạn Sinh, lần đầu tiên công khai nhắc tới tàu này hồi cuối tháng qua. Tại một cuộc họp báo thường lệ hàng tháng, ông Cảnh Nhạn Sinh xác nhận kế hoạch của TQ cho đóng một số ít tàu sân bay, và cùng lúc ông trấn an dư luận về mục đích hòa bình của Bắc Kinh. Ông Cảnh Nhạn Sinh nói: “TQ sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình và một chính sách ngoại giao độc lập song song với chính sách quốc phòng của TQ. Chúng tôi có một bờ biển dài và có những vùng biển rộng lớn nằm dưới quyền tài phán của chúng tôi. Trách nhiệm của các lực lượng quân sự TQ là bảo vệ lãnh hải, và duy trì chủ quyền biển và quyền hàng hải của TQ”.
Thế nhưng các nhà lãnh đạo các nước và giới quan sát cho rằng lời bảo đảm đó của TQ là khó có thể tin. Vì lâu nay lời nói không đi đôi với hành động là câu chuyện thường ngày của chính quyền Bắc Kinh, mà xung quanh vấn đề tranh chấp Biển Đông là ví dụ cụ thể nhất. Ông Arthur Ding, một nhà phân tích về các vấn đề quân sự TQ thuộc trường đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan nói không có gì đáng ngạc nhiên khi các giới chức TQ tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của chuyến chạy thử tàu Thi Lang, vì Bắc Kinh lo ngại sẽ gây thêm bất bình tại các nước khác trong vùng.
Thế nhưng, trong khi ông Cảnh Nhạn Sinh cho biết tàu Thi Lang sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện quân sự và nghiên cứu khoa học thì ngày 11-8, trang web của tờ “Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)” đăng bài viết nói rằng tàu sân bay đầu tiên của nước này sẽ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, bất chấp những bảo đảm của chính phủ TQ rằng chiếc tàu này không đe dọa các quốc gia láng giềng. Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi chiếc tàu Thi Lang tiến hành chạy thử nghiệm lần đầu tiên trên biển. Trên trang web jz.chinamil.com.cn, phóng viên cấp cao của báo trên, ông Guo Jianyue cho rằng tàu sân bay Thi Lang sẽ giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Ngày 10-8, trả lời báo giới khi được hỏi liệu tàu sân bay này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói: “Chúng tôi mong chờ phía TQ sẽ giải thích về nhu cầu cần sở hữu trang thiết bị này. Đây là một phần trong mối quan ngại lớn hơn của chúng tôi về việc TQ không minh bạch như các quốc gia khác. Nước này không minh bạch như Mỹ công khai mua sắm quân sự và công khai ngân sách quốc phòng. Chúng tôi muốn có mối quan hệ cởi mở, minh bạch trong các vấn đề quân sự giữa hai nước”.
Những bình luận trên của Mỹ được đưa ra vài giờ sau khi tàu sân bay đầu tiên của TQ hạ thủy để chạy thử ra biển. Đây là một động thái có thể làm dấy lên các quan ngại về sự bành trướng quân sự và khẳng định lãnh thổ trên Biển đông và vùng biển Nhật Bản ngày càng gia tăng từ phía TQ.
Nguyên Châu