.

Nghi ngờ

Việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết lên án chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi đàn áp những người biểu tình chống chính phủ và NATO lấy cớ bảo vệ thường dân đã mở cuộc không kích vào quân đội Libya, nhưng thực chất là hỗ trợ cho phe nổi dậy ở nước này từ ngày 19-3. Mục tiêu của NATO chỉ cần trong 90 ngày sẽ đánh sập toàn bộ tiềm lực quân sự của Gaddafi, để cho phe nổi dậy kiểm soát toàn bộ đất nước. Vậy mà sắp hết tháng thứ 4 nhưng cuộc chiến vẫn ở thế giằng co khốc liệt giữa phe nổi dậy hay còn gọi là  Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) với chính phủ Libya.

Theo mạng tin tình báo chiến lược "Stratfor" của Mỹ ngày 3-8, sự phản đối chống lại NATO và NTC đang tăng mạnh tại Libya và ngay cả thành phố Benghazi căn cứ NTC. Sau vụ ám sát tướng Abdel Fattah Al-Younes, tư lệnh các lực lượng vũ trang của NTC, những chia rẽ hơn nữa trong nội bộ NTC đang bộc lộ rõ ràng. Bộ tộc Obeide của ông Younes đã cầm vũ khí chống lại NTC. Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil bị nhắm bắn tại khách sạn, nơi ông ta tổ chức một cuộc họp báo tuyên bố về cái chết của tướng Younes. Ông Jalil đã có những tuyên bố mâu thuẫn về vụ ám sát mà theo nhiều người là do chính các thành viên NTC có quan hệ trực tiếp với Mỹ thực hiện. Con trai của tướng Younes là Ashraf Al-Younes đang yêu cầu chính phủ tại Tripoli mang lại ổn định cho Benghazi. Trong những ngày gần đây, các cuộc nổi dậy chống lại NTC đã nổ ra tại nhiều thành phố thuộc quyền kiểm soát của lực lượng này. Tại các thành phố Benghazi, Darnah và Tobruk, người dân địa phương đã nổi dậy chống lại NATO và các băng nhóm vũ trang thuộc NTC, yêu cầu chấm dứt sự cầm quyền bất hợp pháp của NTC.

Mặc khác, là một trong 8 quốc gia NATO tham gia chiến dịch oanh kích Libya, Na Uy chính thức kết thúc “sứ mệnh” vào ngày 1-8. Quyết định đó của Na Uy  đã  gây ra thách thức lớn với NATO. Không chỉ có Na Uy, mà Italia đã cho rút hàng không mẫu hạm Garibaldi và đã quyết định giảm hoạt động quân sự nước ngoài. Trước đây, Na Uy cho rằng cuộc can thiệp quân sự vào Libya chỉ kéo dài vài tuần lễ, và sẽ nhanh chóng buộc được ông Gadhafi rời bỏ chính quyền. Nhưng kết quả đã khác hẳn dự kiến và NATO cũng không đủ tiềm lực kéo dài mãi cuộc không kích. Trước tình trạng sa lầy hiện nay, các nước phương Tây đã buộc phải tìm cách thích nghi trong chiến thuật  quân sự cũng như thông điệp ngoại giao để kết thúc sứ mạng quân sự trong danh dự.

Còn nhà lãnh đạo Gaddafi, sau hơn 4 tháng đối mặt với các cuộc không kích khốc liệt NATO và sự chống đối của NTC, vẫn nắm quyền kiểm soát. Gaddafi quyết không đầu hàng và thề sẽ chiến đấu đến cùng. Trong khi đó, lòng tin của những người phát động cuộc không kích nhằm vào Libya đang phai nhạt, bởi một thực tế là dư luận quốc tế bất bình phản đối, còn nội bộ NTC và người dân  Libya, đặc biệt là ở các khu vực do lực lượng này kiểm soát ngày càng nghi ngờ về bản chất của cuộc nổi dậy và vai trò của NTC đối với tương lai nước này.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.