.

Al-Qaeda sắp bị đánh bại?

Đó là một trong vài cụm từ tương tự mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng thường đưa ra trong thời gian gần đây.

Nhân kỷ niệm 10 năm quân Mỹ hiện diện tại  Afghanistan, Tổng thống  Obama  hôm 8-10 đã đánh giá về tiến bộ mà liên quân tại  Afghanistan đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia Nam Á này. Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Sau khi giành thắng lợi một cách chính đáng với Osama bin Laden và nhiều thủ lĩnh khác của al-Qaeda, chúng tôi đã tiến gần tới việc đánh bại al-Qaeda và mạng lưới giết người của chúng”. Ông Obama nói thêm: “Rõ ràng tiêu diệt Bin-Laden là kết quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được.
 
Thêm vào đó, toàn bộ thủ lĩnh chủ chốt của al-Qaeda gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn”. Như lực lượng đặc nhiệm Mỹ giết chết lãnh đạo al-Qaeda Osama bin Laden hồi tháng 5-2011 tại nơi ẩn náu gần Islamabad; các cuộc không kích bằng máy bay không người lái đã giết chết các thủ lĩnh cấp cao trong khu vực biên giới Pakistan với Afghanistan và tại Yemen. Ông Obama cho rằng tuy tình hình tại  Afghanistan vẫn bất thường và phức tạp, song “chúng tôi vẫn đang đánh bật Taliban khỏi các điểm chủ chốt, các lực lượng an ninh ở  Afghanistan được tăng cường và người dân nơi đây có được cơ hội mới xây dựng tương lai của chính họ”. Theo lời ông Obama, ở  Afghanistan cũng như bên ngoài nước Mỹ, “không và sẽ không bao giờ ở trong tình trạng chiến tranh với Hồi giáo. Chúng tôi là đối tác với tất cả những ai tìm kiếm công lý, phẩm giá và những cơ hội mới”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng  tuyên bố al-Qaeda đang bị đánh bại và Mỹ sẽ không ngừng cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi nào việc này hoàn tất. Bà Hillary nói rằng những lời đe dọa khủng bố tại New York hay Washington nhắc nhở thế giới cần cảnh giác. Bà Clinton nói việc lực lượng Mỹ giết Osama bin Laden vào tháng 5 năm nay đã đặt mạng lưới khủng bố al-Qaeda vào suy thoái. Nhưng Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh: “Để thực sự đánh bại mạng lưới khủng bố, chúng ta cần tấn công vào hệ thống tài chính, các sào huyệt của tổ chức này. Chúng ta cần tấn công vào tư tưởng, chống lại sự tuyên truyền và làm giảm thiểu sự thu hút của tổ chức để mỗi cộng đồng nhận ra mối đe dọa của những phần tử khủng bố”. Bà Clinton cũng cho rằng khủng bố có thể bắt nguồn từ những vùng có khủng hoảng, nghèo đói và lan rộng khi có áp bức.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta tuyên bố trong chuyến thăm mới đây ở Afghanistan rằng “việc đánh bại al-Qaeda một chiến lược hiện trong tầm tay của chúng ta”?!

Nhưng những người hoài nghi thì cho rằng đây chỉ là lời cổ vũ tinh thần lính Mỹ để bênh vực cho quyết định của Tổng thống Obama nhằm rút quân khỏi Afghanistan sau một thập niên chiến tranh. Ngay như các giới chức cao cấp của CIA, Trung tâm Quốc gia chống khủng bố và các cơ quan an ninh tình báo khác cũng bày tỏ quan điểm hoài nghi tương tự trong các báo cáo mật cũng như trong các cuộc điều trần kín tại Quốc hội Mỹ. Đặc biệt, có những người trong ngành an ninh tình báo Mỹ không hoàn toàn đồng ý về nhận định “đánh bại al-Qaeda về mặt chiến lược,” khuyến cáo rằng dù ngay cả khi tổ chức này bị phá tan, chủ thuyết của họ đã lan ra khắp nơi và vẫn còn là mối đe dọa lâu dài.

Ở một phương diện khác cho thấy, dù al-Qaeda có thể đang suy yếu, song một báo cáo mới về khủng bố toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng những kẻ khủng bố tại Nam Á cùng bán đảo Arab và Bắc Phi đang “mở rộng hoạt động và các mạng lưới ra toàn khu vực và xa hơn”. Vì trên thực tế, al-Qaeda vẫn là nguy cơ khủng bố lớn nhất tại các khu vực này. Các tổ chức khủng bố có căn cứ tại Pakistan, Yemen, Somalia... tiếp tục đe dọa an ninh nước này, cả khu vực và toàn cầu.

Với những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo sâu sắc, tình trạng thù địch quốc gia và lịch sử bạo lực, Pakistan, Yemen, Somalia... đang có tiềm năng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố chia sẻ các nguồn lực và đa dạng hóa chiến thuật để gây nên các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng.

Ngoại trưởng Mỹ nhận định, với mật độ dân số đông đảo, đi kèm với đói nghèo dai dẳng, tỷ lệ tăng trưởng dân số cao nhất thế giới, cùng bạo lực, tham nhũng, chính quyền yếu kém và bất đồng chính trị đều đang làm gia tăng căng thẳng, có thể nói Nam Á, Bắc Phi và một số quốc gia Trung Đông đang chín muồi đối với khủng bố. Cho nên, nhận định al-Qaeda đang bị đánh bại là quá vội vàng và không có sức thuyết phục, dù trên thực tế một số thủ lĩnh của mạng lưới này đã bị tiêu diệt!

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.