.

Bất ngờ

Sau hơn 20 năm giới quân sự nắm quyền lãnh đạo đất nước, ngày 7-11-2010, được coi là một ngày trọng đại trong lịch sử Myanmar.
 
Đó là cuộc bầu cử nằm trong lộ trình bảy bước, được chính phủ Myanmar thông báo hồi tháng 8-2003 nhằm tiến tới một Nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương. Quốc hội Myanmar gồm Thượng viện và Hạ viện với quyền lập pháp được chia sẻ qua các cấp liên bang, khu vực và bang. Hạ viện gồm 440 ghế, thượng viện gồm 224 ghế. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội đã diễn ra hồi đầu năm 2011 ở Naypyitaw (thủ đô mới của nước này) với sự tham gia của 1.154 nhà lập pháp đã bầu ra  lãnh đạo các cơ quan  Nhà nước .

Trái ngược với mọi nghi ngờ, nhất là Mỹ và phương Tây, Tổng thống Thein Sein của Myanmar, vốn là một tướng lĩnh quân đội, đã tiến hành một loạt động thái cải cách bắt đầu từ giữa tháng 7. Ông Thein Sein tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng: “Chính phủ chúng ta do người dân bầu ra nên phải tôn trọng ý nguyện của người dân”. Từ sự khởi đầu đó, đến nay Myanmar đã tạo ra những đổi mới mạnh mẽ trong việc xây dựng hệ thống chính quyền dân sự từ trung ương tới cơ sở; tiến hành đối thoại dân chủ với các nhân vật đối lập; nhanh chóng phá vỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt lên quốc gia này suốt mấy chục năm qua; tạo dựng những tiền đề căn bản cho đất nước phát triển về mọi mặt. Trên bình diện xã hội, Hạ viện Myanmar hồi tháng 8 đã thông qua một sắc luật mới cho phép công nhân được thành lập nghiệp đoàn và tụ tập. Quyền tiếp cận thông tin và tự do báo chí cũng được nới rộng. Ngày 15-9 vừa qua, Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm truy cập vào các website tin tức thế giới, website của các nhóm đối lập và mạng chia sẻ YouTube. Theo quan sát của báo Straits Times (Singapore), các tờ báo ở Myanmar gần đây cũng có một số bài viết “phản biện chính phủ một cách thận trọng”.

Một trong những sự kiện đang được dư luận nước này và quốc tế quan tâm là ngày 12-10, Chính phủ Myanmar quyết định ân xá hơn 6.000 tù nhân. Theo kênh truyền hình quốc gia Myanmar MRTV, tổng số tù nhân được ân xá trong đợt này là 6.359 người, gồm những người già, đau yếu, tàn tật hoặc những người đã chấp hành tốt hình phạt. Động thái này, theo MRTV nhằm “tạo điều kiện cho họ góp phần xây dựng một dân tộc đổi mới”.

Nhật báo La Croix (Pháp) chú ý đến sự kiện Chính phủ Myanmar sắp trả tự do cho trên sáu ngàn tù nhân, sau khi đã có một loạt cử chỉ cởi mở. Theo tờ báo, những tiến bộ nhanh chóng trên đã làm kinh ngạc giới quan sát, và khiến phương Tây sắp tới cần phải chỉnh đốn lại quan hệ với quốc gia. Theo La Croix, đây là một cử chỉ mạnh mẽ và đầy ý nghĩa, cộng thêm các quyết định mạnh dạn trong những tháng gần đây, trong một quốc gia lâu nay vẫn nổi tiếng là bảo thủ và quân phiệt. Vẫn khó thể nói rằng Myanmar đang hướng về một sự bình thường hóa về mặt chính trị và xã hội, nhưng những thay đổi đã ở mức chưa từng thấy kể từ hai chục năm qua. Đất nước này rõ ràng đang ở vào thời kỳ quá độ. 

Những thay đổi lớn và mạnh mẽ của Myanmar là nhằm đẩy nhanh  thực hiện lộ trình bảy bước đã đề ra năm 2008 nhằm tiến tới một Nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương. Đó cũng là nhân tố tích cực không chỉ đối với Myanmar mà còn  làm cho  ASEAN thêm vững mạnh, như các nhà lãnh đạo của khối đã đề ra  mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.