.

Bất ngờ chọc giận

Đối với Mỹ, Pakistan không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực Nam Á mà còn giữ vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến tại Afghanistan và chống khủng bố trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Islamabad cũng là quốc gia đồng minh chiến lược của Washington nhưng chứa đựng nhiều rắc rối nhất. Đặc biệt, sau vụ biệt kích Mỹ tiêu diệt Bin Laden trên lãnh thổ của Pakistan, làm cho quan hệ giữa hai đồng minh này trở nên căng thẳng.

Ngày 20-10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Clinton, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey đã có cuộc viếng thăm và hội đàm với Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani, Tư lệnh quân đội đầy quyền lực Tướng Ashfaq Kayani và Trung tướng Ahmed Shuja Pasha - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan (ISI), Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar và Bộ trưởng Tài chính Abdul Hafeez Sheikh tại Islamabad. Sau cuộc hội đàm, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Cuộc hội đàm đã kéo dài 4 giờ đồng hồ. Đây là một cuộc hội đàm vô cùng thẳng thắn và thảo luận rất chi tiết”. Xem ra những dị biệt vẫn còn rất lớn.

Trước đó cùng ngày, trong chuyến thăm Kabul (Afghanistan), bà Clinton nói rằng đã đến lúc phải đưa ra một “thông điệp rõ ràng và dứt khoát” với Pakistan rằng nước này phải tăng cường nỗ lực để góp phần kết thúc cuộc chiến kéo dài một thập kỷ qua ở Afghanistan. Bà nói: “Liên quân sẽ tìm thấy các người tại các nơi trú ẩn an toàn ở biên giới Afghanistan-Pakistan”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ đơn phương tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại mạng lưới Haqqani trên lãnh thổ Pakistan mà Mỹ buộc tội đã thực hiện một số vụ tấn công ác liệt nhất vào Afghanistan. Bà Clinton nhấn mạnh: “Chính quyền Pakistan phải xóa sổ các nơi trú ẩn an toàn của lực lượng Taliban, loại khỏi đất nước họ những kẻ khủng bố - những kẻ đã giết hại người dân Pakistan và vượt qua biên giới để giết hại người dân Afghanistan”.

Các nhà phân tích người Pakistan đều cho rằng các quan chức Mỹ đã gửi một thông điệp cứng rắn tới Chính quyền Pakistan. Tanvir Ahmed Khan, cựu Ngoại trưởng Pakistan, nói: “Tôi cho rằng Mỹ đã quyết định đưa ra bức thông điệp cuối cùng về mối quan hệ Pakistan-Mỹ, đặc biệt liên quan tới Afghanistan”. Nhà phân tích chính trị Hasan Askari Rizvi cho rằng sự hiện diện của Giám đốc CIA David Petraeus tại cuộc hội đàm lần này mang ý nghĩa rất đặc biệt. Hasan Askari Rizvi nói: “Mỹ sẽ đưa ra bằng chứng rằng Pakistan có liên quan (tới việc bạo lực gia tăng ở Afghanistan). Petraeus nhất định sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy Pakistan cũng như ISI có liên quan”. Các quan chức Mỹ và Afghanistan đã đưa ra các mối liên hệ giữa các tay súng ở Pakistan với vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Kabul hồi tháng 9-2011 và vụ ám sát phái viên hòa bình của Afghanistan, ông Burhanuddin Rabbani.

Tuy nhiên, Pakistan đã bác bỏ những cáo buộc này và nói rằng Washington đang cố xem nhẹ gánh nặng mà Islamabad đã gánh vác trong cuộc chiến chống lại các tay súng, đồng thời cảnh báo rằng những thông điệp liên tiếp của Washington phủ nhận công lao của Pakistan đang làm xói mòn sự ủng hộ của dân chúng Pakistan đối với cuộc chiến này. Các nhà hoạch định chính sách ở Islamabad đã tỏ ra không đồng tình với chiến lược của Mỹ. Họ cho rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ chỉ mang lại những kết quả hạn chế và rằng hiện là lúc tập trung vào một tiến trình hòa giải với các nhóm vũ trang. Thái độ đó của Islamabad không chỉ làm cho mối quan hệ Mỹ-Pakistan tiếp tục băng giá mà chọc giận thêm Washington khi Tổng thống Obama đang cố gắng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan càng sớm càng tốt.

Nhưng có lẽ, người chọc giận Washington mạnh mẽ lại là Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, đồng minh của Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Geo, ngày 22-10 đã nói: “Nếu xảy ra chiến tranh giữa Pakistan và Mỹ bất cứ lúc nào, chúng tôi sẽ đứng về phía Pakistan. Nếu Pakistan bị tấn công và nếu nhân dân Pakistan cần sự giúp đỡ của Afghanistan, Afghanistan sẽ ở bên các bạn”. Khi được hỏi Afghanistan sẽ phản ứng như thế nào nếu Pakistan bị Ấn Độ tấn công, ông Karzai  cũng đáp: “Bất cứ ai tấn công Pakistan, Afghanistan sẽ đứng về phía Pakistan. Afghanistan sẽ là một người anh em của Pakistan. Afghanistan sẽ không bao giờ phản bội một người anh em”.

Đây là tuyên bố mang tính chọc giận khá  bất ngờ của Afghanistan nhằm vào Mỹ - quốc gia đang hao người tốn của cho cuộc chiến tranh chống Taliban và Al-Qaeda tại nước này. Nhưng có lẽ dư luận quốc tế và hai nước này đều hiểu là nhà lãnh đạo Afghanistan đang muốn áp dụng câu ngạn ngữ “bán bà con xa mua láng giềng gần” chăng?                                    
 
NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.