.

Cuộc chiến sống còn

Thủ tướng Silvio Berlusconi phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào hôm nay (14-10) để cứu vãn liên minh cầm quyền. Động thái này sẽ quyết định tương lai chính trị của ông trong lúc có sự bất mãn đối với vai trò lãnh đạo của người đứng đầu Chính phủ Ý khi đương đầu với khủng hoảng tài chính.

Các cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra ở Rome, Naples và một số thành phố khác là dấu hiệu cho thấy sự tức giận không còn gói gọn trong các chính trị gia mà đang lan đến thường dân.  

Trong cuộc họp Quốc hội ngày 11-10, liên minh cầm quyền đã không giành được đa số phiếu để thông qua kế hoạch ngân sách năm 2012. Vị Thủ tướng từng liên tục vượt qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho rằng, kế hoạch ngân sách thất bại do sự vắng mặt của một số thành viên trong liên minh. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc một số người vắng mặt hoặc không bỏ phiếu, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti - người thường xuyên bất đồng với Thủ tướng Berlusconi xung quanh chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đã gửi đi thông điệp về sự rạn nứt trong nội bộ đảng cầm quyền. Phe đối lập kêu gọi ông Berlusconi chấp nhận kết quả ngày 11-10 và rời nhiệm sở. Vì vậy, bỏ phiếu tín nhiệm lần này là cuộc chiến sống còn với ông Berlusconi. Nếu tiếp tục thất bại, ông sẽ phải từ chức.

Đến nay, ông Berlusconi nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội nhưng có những đồn đoán không loại trừ sự chống đối từ chính đảng cầm quyền. Cũng theo giới quan sát, Chính phủ Ý có thể sẽ không sụp đổ ngay lập tức nhưng khó có khả năng kiểm soát tình hình khi nền kinh tế đang chịu áp lực khủng hoảng nặng nề, đúng như quan ngại của Tổng thống Giorgio Napolitano. Và Chính phủ Berlusconi có thể sụp đổ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2013.

Vị Thủ tướng 75 tuổi đang trải qua những thách thức khi nhiều thành viên nội các tỏ ra không hài lòng về cách ông điều hành liên minh và những ảnh hưởng mà nhà lãnh đạo này tạo ra do bê bối tình ái. Ông đang phải thuyết phục các nhà đầu tư rằng, Ý có thể cắt giảm nợ công lớn thứ hai của châu Âu và giảm vay, trước nguy cơ Rome trở thành nạn nhân lớn nhất trong cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro.           
 
 VĨNH AN
;
.
.
.
.
.