.

Đàm phán thăm dò

Một trong những vấn đề gai góc làm cho bán đảo Triều Tiên luôn nóng bỏng và quan hệ các bên có liên quan đầy sóng gió là vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
 
Nó đã làm ngưng trệ cuộc đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên); xảy ra các vụ nổ súng qua lại giữa Bình Nhưỡng và Seoul; vụ tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm bị nghi do ngư lôi của Bình Nhưỡng; các bên thường đưa ra các tuyên bố gây sốc về các cuộc xung đột vũ trang có thể diễn ra bất cứ lúc nào… Tuy nhiên, gần đây, phía CHDCND Triều Tiên đưa ra những tín hiệu mới cho thấy nước này muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, đặc biệt là Mỹ.

Theo AFP dẫn nguồn tin của cựu chuyên gia đàm phán hàng đầu, ông Victor Cha từ Washington ngày 19-10 cho biết, Mỹ sẽ thay đặc phái viên phụ trách vấn đề CHDCND Triều Tiên của nước này trước khi Washington và Bình Nhưỡng có các cuộc hội đàm hiếm hoi vào ngày 24 và 25-10 tại Geneva (Thụy Sĩ), nhằm thúc đẩy nối lại đàm phán sáu bên. Ông Victor Cha  cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ thông báo ông Stephen Bosworth, nhà điều phối của Mỹ về chính sách với CHDCND Triều Tiên, sẽ từ chức và được thay bằng nhà ngoại giao kỳ cựu Glyn Davies, hiện là Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Cuộc đàm phán tại Geneva giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên sắp tới theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner  là mang “tính chất thăm dò”, qua đó phía Mỹ sẽ tìm hiểu xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng thực hiện bổn phận theo Tuyên bố chung năm 2005 và đáp ứng điều kiện của Mỹ, Hàn Quốc để nối lại đàm phán sáu bên hay không. Đây cũng là sự tiếp nối sau cuộc họp giữa hai nước tại New York hồi tháng 7 vừa qua. Trong cuộc họp này, ông Bosworth đã hối thúc CHDCND Triều Tiên làm rõ việc nước này có từ bỏ các vũ khí hạt nhân và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc hay không. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn khẳng định rằng nước này chỉ đồng ý nối lại đàm phán sáu bên khi Bình Nhưỡng  đưa ra các cam kết rõ ràng về vấn đề hạt nhân.

Cùng ngày, Hãng thông tấn Itar-Tass (Nga) đưa tin nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il cho biết nước này sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, nếu Washington và Tokyo từ bỏ chính sách “thù địch” chống Bình Nhưỡng. Trả lời phỏng vấn Itar-Tass, nhà lãnh đạo Kim Jong Il khẳng định “nếu Mỹ ít nhất từ bỏ chính sách thù địch hiện nay đối với Triều Tiên và tiếp cận một cách thiện chí, Triều Tiên sẵn sàng đồng ý cải thiện quan hệ song phương với Mỹ”. Đối với Nhật Bản, ông Kim Jong Il cho biết quan hệ hai nước sẽ được bình thường hóa nếu Tokyo xúc tiến những động thái “khép lại quá khứ sai lầm” và từ bỏ chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng. Ông nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Nhật Bản “hoàn toàn phụ thuộc vào lập trường và cách tiếp cận của Washington và Tokyo”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nhắc lại lời kêu gọi sớm nối lại đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà “không kèm theo điều kiện tiên quyết”.

Trong khi đó, Hãng tin Yonhap ngày 19-10 dẫn lời phát biểu của Nghị sĩ Park Sun Young thuộc Đảng Tự do tiên tiến tại một phiên chất vấn của Quốc hội Hàn Quốc rằng CHDCND Triều Tiên có cơ sở làm giàu urani thứ hai ở vùng duyên hải miền Tây nước này, ngoài cơ sở đã được biết đến tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Nghị sĩ Park nói: “CHDCND Triều Tiên vẫn đang phát triển vũ khí hạt nhân sử dụng urani làm giàu từ năm 2007, chuyển từ chương trình sản xuất plutoni. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc không biết gì về thực tế này”. Nghị sĩ Park Sun Young, dẫn lời một quan chức quân sự CHDCND Triều Tiên chịu trách nhiệm về an ninh tại địa điểm xây dựng, cho hay cơ sở ngầm dưới mặt đất này ở huyện Dongchang, hoạt động kể từ khi nó được xây dựng trong giai đoạn 2001-2006. Các quan chức Hàn Quốc nói khó có thể xác minh những tuyên bố của Nghị sĩ Park Sun Young.

Do vậy, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lần này tại Geneva cũng chỉ là bước thăm dò để Mỹ quyết định có tái khởi động vòng đàm phán sáu bên hay không mà thôi. Nhưng giới quan sát cho rằng đang có những tín hiệu chín muồi để vòng đàm phán sáu bên nối lại sau một thời gian dài băng giá do Bình Nhưỡng quyết định rút lui khi không chấp nhận các điều kiện do Mỹ và Hàn Quốc đưa ra.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.