.

Kịch bản Libya không tái diễn

Cuộc xung đột chính trị ở Syria ngày càng trở nên phức tạp và quyết liệt. Mỹ và phương Tây tiếp tục can thiệp mạnh mẽ vào chính trường nước này đồng thời làm mọi cách để kịch bản tương tự như họ đã và đang làm ở Libya lại diễn ra ở Syria.

Một là, tập hợp các phe phái chính trị đối lập đang tiến hành các cuộc biểu tình và bạo động đường phố nhiều tháng qua chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad  trong một tổ chức thống nhất. Do vậy, Hội đồng quốc gia Syria (SNC) nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Assad được thành lập vào tháng 8 vừa qua tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và chính thức ra mắt hôm 2-10. SNC quy tụ phần lớn các phong trào chính trị Syria đối lập chống chế độ của Tổng thống Assad. Ngay lập tức, Mỹ và EU lên tiếng ủng hộ sự ra đời của SNC. Đáng chú ý, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) ngày 10-10 cho biết họ đã công nhận SNC là chính quyền hợp pháp của Syria?!

Phản ứng lại động thái này, Ngoại trưởng Syria Walid Moallem cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế không thừa nhận SNC do phe đối lập thành lập mới thành lập và đe dọa sẽ có “các hành động cứng rắn” chống lại bất cứ nước nào công nhận nó. Trong một bài phát biểu tiếp đó, Trưởng Giáo sĩ Hồi giáo Syria Ahmad Badreddine Hassoun nhấn mạnh: “Tôi nói với tất cả người châu Âu và người Mỹ rằng chúng tôi sẽ gây dựng đội quân đánh bom liều chết từ chính những người hiện đang có mặt tại đất nước của các người, nếu các người ném bom Syria hoặc Lebanon”.

Hai là, sử dụng LHQ để tiến hành các hoạt động quân sự hỗ trợ cho phe đối lập mở mặt trận quân sự nhằm lật đổ chính quyền  của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, về nghị quyết mạnh tay đối với Syria đã khiến nỗ lực của Mỹ và phương Tây dàn xếp sự ủng hộ của quốc tế để can thiệp vào nước này nhằm thay chế độ Assad bị thất bại. Phiên bỏ phiếu  vừa qua cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong HĐBA khi có hai nước phản đối và 4 nước là Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Lebanon bỏ phiếu trắng. Diễn biến này dẫn đến nhận định thời điểm của việc ra nghị quyết chóng vánh kiểu như nghị quyết số 1973 của HĐBA cho phép can thiệp vào Libya hồi tháng 3 vừa qua đã qua. Trường hợp Libya là nguyên nhân khiến Trung Quốc và Nga quyết định bỏ phiếu chống nghị quyết về Syria, thay cho giải pháp lá phiếu trắng như trong cuộc bỏ phiếu về Libya trước đây. Hai nước này vốn không ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya nhưng không phản đối bằng hành động cụ thể, nên đã mở đường cho phương Tây can thiệp quân sự dẫn đến sự thay đổi chế độ tại Libya.

Sau sự kiện trên, cả Bắc Kinh và Moscow đều có dấu hiệu chỉ trích phương Tây lợi dụng nghị quyết LHQ về bảo vệ thường dân để can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Libya. Do đó họ tìm cách không để nghị quyết tương tự được thông qua và đó là nguyên nhân dẫn đến hai lá phiếu phủ quyết chứ không phải phiếu trắng về Syria. Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Dmitry Medvedev khẳng định, Nga kiên định phản đối những âm mưu hợp pháp hóa thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương của HĐBA LHQ nhằm lật đổ các chế độ khác nhau. Tổng thống Medvedev cho rằng, LHQ được thành lập không để phục vụ mục đích đó và Nga trước sau như một sẽ tuân thủ Hiến chương LHQ.

Trong khi đó, ngày 9-10, Tổng thống nước này Assad trong buổi tiếp các Ngoại trưởng Cuba và Venezuela đang ở thăm Syria, nói rõ Syria “đang tập trung vào 2 mặt trận chính là cải cách chính trị và triệt phá các nhóm có vũ trang tìm cách gây bất ổn định tại  Syria“. Ông nhấn mạnh, các quyết định của Syria liên quan cải cách chính trị “là chủ quyền của  Syria, không liên quan đến các ý kiến của nước ngoài”. Theo Tổng thống Assad, người dân  Syria đã hoan nghênh cải cách chính trị, song các hành động công kích của nước ngoài gia tăng vào đúng thời điểm tình hình ở nước này bắt đầu có tiến bộ. Ông cáo buộc các cường quốc phương Tây ít quan tâm đến cải cách mà thay vào đó ép  Syria vào tình thế phải trả giá cho lập trường chống lại các kế hoạch của nước ngoài.

Khi âm mưu thông qua LHQ để tái diễn kịch bản Libya tại Syria bị thất bại, Mỹ và phương Tây rất cay cú, nhưng quyết không từ bỏ kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad bằng con đường khác là gây sức ép mạnh mẽ về chính trị, kinh tế lên Damascus. Do vậy, bất ổn chính trị hiện nay ở Syria không thể giải quyết một sớm một chiều, khi mà các cường quốc đang có những toan tính khác nhau để bảo vệ lợi ích kinh tế, quốc phòng  và cả vị thế của mình tại khu vực quan trọng này.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.