.

Lòng tốt và sự vô cảm

Câu chuyện về em bé Duyệt Duyệt bị 2 chiếc xe đâm phải ở quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) trước sự chứng kiến thản nhiên của những người đi đường đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
 
Tâm điểm của cộng đồng mạng trong những ngày này không phải là vấn đề thời sự, tiền tệ của Trung Quốc trong cuộc “khẩu chiến” với Mỹ, hay an toàn của tàu cao tốc sau vụ tai nạn kinh hoàng hồi tháng 7, mà là chuyện bé Duyệt Duyệt và người nhặt rác Trần Hiền Muội - người duy nhất bế em bé 2 tuổi lên giữa vũng máu, là chuyện giữa lòng tốt và sự vô cảm.

Sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận không chỉ nhằm vào 2 tài xế xe tải mà còn đối với 18 người đi đường. Ở thế kỷ 21, khi thế giới ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là Trung Quốc - quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, thì lẽ ra những giá trị đạo đức cao quý phải bền vững, tình người với người phải ấm áp hơn. Trung Quốc cũng đang trên đường trở thành nước giàu có thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, vào năm 2016. Xếp hạng quốc gia giàu có, Trung Quốc hiện đứng thứ ba, sau Mỹ và Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là khi nền kinh tế càng phát triển thì phải chăng đồng tiền mới sẽ được đặt lên trên hết và càng xuất hiện sự lạnh lùng đến tàn nhẫn đối với đồng loại? 

Nhưng trong bức tranh sẫm tối đó, hình ảnh người nhặt rác như một đốm sáng lóe lên nhưng cũng chỉ nhỏ nhoi, không đủ mang lại sự ấm áp sau khi 18 “trái tim băng giá” ấy đã đi qua. “Tôi chỉ làm một việc rất bình thường và nào dám lấy tiền”, bà Trần Hiền Muội trả lời rất đỗi dung dị, vậy mà không ít người lại hoài nghi về động cơ của bà khi giúp bé Duyệt Duyệt. “Làm một người tốt khó khăn đến vậy sao?”, câu hỏi của bà Trần Hiền Muội có lẽ cũng chính là vấn đề của xã hội hiện đại, khi niềm tin giữa con người với con người bị suy giảm, khi lòng tốt trở nên khó khăn và hiếm hoi hơn sự vô cảm.                             
 
VĨNH AN
;
.
.
.
.
.