Vấn đề chống biến đổi khí hậu đang trở thành mối quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh những tác động mạnh mẽ của khí hậu đang đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm triệu người ở các châu lục, nhất là các nước ven biển Thái Bình Dương.
Năm 2012, Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải cac-bon sẽ hết hiệu lực và cần phải được thay thế bằng một văn kiện mới. Tuy nhiên, các bất đồng nghiêm trọng giữa các nước công nghiệp phát triển và các nước mới nổi đã làm cho hai hội nghị LHQ gần đây tại Copenhagen (2009) và Cancun (2010) thất bại, không đưa ra dự thảo hiệp ước mới. Ngày 1-10 vừa qua, tại thành phố Panama (Mexico), hơn 2.000 đại biểu đến từ 194 quốc gia trên thế giới đã khai mạc cuộc họp kỹ thuật chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu dự định tổ chức tại Nam Phi lần thứ 17 (COP 17) vào tháng 11 năm nay sẽ có 15 ngàn đại biểu tham dự nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu trong cuộc chiến chung chống hiện tượng tự nhiên ngày càng gây nhiều hậu quả bất lợi này. Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh, việc đưa Hội nghị COP 17 tại Nam Phi đi đến thành công hoàn toàn phụ thuộc vào các đại biểu tham dự hội nghị. Bà Figueres hy vọng Hội nghị Panama sẽ đạt những bước tiến mới, đi đến những kết quả mà toàn thế giới mong đợi.
Thông qua phương thức thỏa thuận theo nhóm trong vòng 8 ngày, đại diện các quốc gia Hội nghị Panama có đủ thời gian để thương lượng, loại trừ khoảng cách, tiến tới thỏa thuận về cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050, giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto, thảo luận “các thể chế” về thích ứng, giảm thiểu và công nghệ cũng như cơ chế đầu tư mới cho vấn đề khí hậu, "Quỹ xanh dành cho khí hậu", sáng kiến vốn đã được đưa ra tại Hội nghị Cancun (Mexico) hồi năm 2010 nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và điều chỉnh các hoạt động kinh tế thải ít khí cac-bon.
Về phần mình, đại diện tổ chức Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo Hội nghị Panama là cơ hội cuối cùng để bàn thảo và đi đến thỏa thuận về những kế hoạch tham vọng nhất trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu tại Durban, Nam Phi vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, phát biểu với giới báo chí mới đây, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa đã tuyên bố nêu rõ nước này không mong muốn COP 17 của các thành viên UNFCCC đánh dấu sự chấm dứt của nghị định thư Kyoto. Chính phủ Nam Phi coi việc duy trì nghị định thư này là điều cốt yếu. COP 17 được tổ chức nhằm mục đích phát triển các thỏa thuận được kết luận tại COP 16 diễn ra ở Cancun (Mexico) hồi cuối năm 2010. Hội nghị lần này cũng đặt không ít hy vọng vào việc đưa ra một cơ chế mới để giám sát và quản lý tốt hơn hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Vấn đề quy định định mức cắt giảm khí thải hiện vẫn để ngỏ. Thế giới vẫn đang ngày đêm tranh cãi về các tỷ lệ cắt giảm khí Cac-bon-nic vốn được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tại hội nghị Durban năm nay, khả năng đưa ra được bản thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý quy định mức cắt giảm khí Cac-bon-nie là không nhiều. Do vậy, đề xuất gia hạn thêm nghị định thư Kyoto được Nam Phi, nước chủ nhà của COP 17 đưa ra vào lúc này không phải không hợp lý song việc đề xuất này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các ý kiến từ phía các nước thành viên của UNFCCC.
Trong bối cảnh bất đồng giữa các nước lớn làm cho thế giới khó đạt được một hiệp ước chung, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn cấp thảo ra một lộ trình hành động chung cho tương lai ngay trong năm nay. Trong tình hình đó, Liên minh châu Âu đã đề nghị một vòng đàm phán mới trên cơ sở Nghị định thư Kyoto nhằm thúc đẩy các quốc gia tiếp tục cam kết giảm thải khí cac-bon để cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu không bị gián đoạn.
Những động thái đó cho thấy, Hội nghị COP 17 ở Nam Phi chưa bắt đầu mà gặp quá nhiều trắc trở và hy vọng kết quả đạt được sẽ rất mong manh. Nếu như vậy, thế giới lại đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, mà nguyên nhân lại do con người gây ra .
Nguyên Châu