.

Ngoại giao cân bằng

Ngày 12-5 vừa qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh “Về Chiến lược an ninh quốc gia (ANQG) Liên bang Nga trước năm 2020”.
 
Toàn văn Chiến lược ANQG này dài 13 trang, theo các nhà quan sát chính trị đây là văn kiện quan trọng thể hiện chiến lược an ninh của Nga trong bối cảnh không còn một thế giới đơn cực mà đang hình thành các cực mới sau khi chính quyền mới ở Mỹ xem xét lại chính sách ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống G.W.Bush. Trả lời phỏng vấn tờ Izvestia (Nga) ngay sau khi công bố văn kiện, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Nicolai Patrushev cho rằng, Chiến lược ANQG được bảo đảm thông qua những ưu tiên bởi: “Bên cạnh những mục đích, những nguy cơ, nhiệm vụ và giải pháp kiến nghị để thực hiện chúng thì một hệ thống cân đối xác định tình hình ANQG và mức độ phát triển bền vững của Nhà nước trong tương lai ngắn hạn (trước năm 2012), trung hạn (trước năm 2015) và dài hạn (trước năm 2020) cũng được hình thành”.

Điều đó, có nghĩa Nga phải giành thế chủ động và tạo thế cân bằng với Mỹ cũng như các khối khác cả về quân sự lẫn kinh tế mà trong đó nổi lên là năng lượng. Một điểm cũng đáng lưu ý là Nga vẫn tiếp tục lo ngại các đối thủ thời Chiến tranh Lạnh trước đây, song cũng cho biết Moscow sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại “hợp lý và thực dụng” để tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đồng thời “không thể chấp nhận” kế hoạch mở rộng của NATO tới những quốc gia có chung biên giới với Nga.
 
Chiến lược ANQG Nga còn khẳng định mong muốn của Nga trong việc xây dựng đối tác bình đẳng chiến lược với Mỹ. Trong quan hệ với Mỹ, Nga đang thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để duy trì nguyên tắc bình đẳng với Mỹ trong lĩnh vực cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược trong điều kiện Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) và thực hiện học thuyết tấn công toàn cầu nhờ sử dụng các phương tiện chiến lược mang đầu đạn hạt nhân và phi hạt nhân và  còn xác định mối quan hệ với NATO và Liên minh châu Âu (EU)...

Tiếp tục tinh thần đó, trả lời phỏng vấn 3 kênh truyền hình của Nga vào khung “giờ vàng” ngày 17-10, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người dự kiến tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 3-2012 đã nói: “Bây giờ cũng như trước đây, chúng tôi sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng. Điều này có nghĩa là Nga muốn tạo lập quan hệ láng giềng, quan hệ bằng hữu với các đối tác”. Ông Putin cũng nhấn mạnh: “Nga sẽ tiếp tục tích cực bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, chúng tôi luôn thực hiện điều này theo lối ứng xử dân sự, và sẽ tiếp tục làm như thế”. Ông Putin tuyên bố Nga cần sự ổn định và từng cách  sự sụp đổ như hồi những năm 1990 của thế kỷ trước chỉ vài bước chân. Ông Putin khuyến cáo: “Chỉ cần hai hoặc ba bước đi sai lầm là mọi thứ có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh đến mức chúng ta thậm chí sẽ không có thời gian để suy ngẫm”.

Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Putin nói, Moscow coi Bắc Kinh là một đối tác đáng tin cậy, không phải mối đe dọa với Nga. Ông Putin nhận định: “Với chúng tôi, Trung Quốc là đối tác, một đối tác đáng tin cậy. Chúng tôi thấy người dân và lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng thiết lập quan hệ bằng hữu, láng giềng với Nga và tìm kiếm sự đồng thuận ở một số vấn đề nan giải”. Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh, Nga “không có ý định cạnh tranh với Trung Quốc trong việc theo đuổi vị thế lãnh đạo thế giới. Trung Quốc có các đối thủ khác, hãy để họ tự tranh đua”.

Về quyết định đề cử đương kim Tổng thống Dmitry Medvedev làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ tới, ông Putin nói, việc đề cử ông Medvedev chưa phải là một thỏa thuận chắc chắn. Ông nhấn mạnh, người dân Nga có quyền tự do quyết định tán thành hay không tán thành kế hoạch hoán đổi chức vị này.

Phát biểu của Thủ tướng Putin về mục tiêu ngoại giao cân bằng của Nga được đưa ra nhằm trấn an dư luận, nhất là Mỹ, châu Âu và các đối tác khác, sau khi nhiều nhà phân tích phương Tây cảnh báo rằng việc quay lại Điện Kremlin vào năm 2012 như kế hoạch của nhà lãnh đạo này có thể giáng một đòn vào việc “tái điều chỉnh” quan hệ Nga - Mỹ và báo hiệu các mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây...         
                                      
Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.