.

Nỗ lực và lo ngại

Để đạt được một kế hoạch chung cứu nguy khu vực đồng euro,  các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo Chính phủ của 17 thành viên trong khối đã phải tiến hành đàm phán liên tục 10 tiếng đồng hồ, từ chiều 26 cho đến tận 4 giờ sáng 27-10 vừa qua. Đây là một kế hoạch lớn, gồm các vấn đề chủ yếu như tái cơ cấu lại nợ của Hy Lạp, nâng vốn của các ngân hàng châu Âu, củng cố Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (FESF) và triển vọng quản lý tài chính, ngân sách theo mô hình liên bang.

Theo kế hoạch, các ngân hàng, hãng bảo hiểm, các quỹ hưu bổng, thuộc khu vực tư nhân, hiện đang nắm trong tay khoảng 210 tỷ euro công trái do Hy Lạp phát hành, được lãnh đạo châu Âu đề nghị “tự nguyện” chấp nhận mất 50% số tiền nói trên, tức là mất 100 tỷ euro. Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nói thẳng, đó là đề nghị cuối cùng của châu Âu và biện pháp này đỡ tồi tệ nhất bởi vì họ còn có thể thu về được 50% số tiền đã cho Hy Lạp vay. Nhờ biện pháp này, nợ công của Hy Lạp, hiện tương đương 173% tổng sản phẩm quốc nội PIB sẽ giảm xuống còn 120% vào năm 2020. Mặt khác, Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu sẽ cho Hy Lạp vay 100 tỷ euro từ nay đến năm 2014 và đứng ra bảo lãnh 30 tỷ euro đối với các ngân hàng lại chấp nhận mua công trái của Hy Lạp. Một phần số tiền 100 tỷ euro nói trên sẽ được dùng vào việc nâng vốn cho các ngân hàng Hy Lạp để tránh phá sản. Như vậy, có thể nói, các ngân hàng Hy Lạp sẽ bị quốc hữu hóa và đặt dưới sự kiểm soát của khu vực đồng euro.

Các lãnh đạo châu Âu tuyên bố việc xóa một phần nợ cho Hy Lạp là trường hợp đặc biệt và duy nhất. Về việc nâng vốn cho các ngân hàng, điều này trở nên cần thiết vì họ bị mất một phần tiền đã cho Hy Lạp vay. Các lãnh đạo châu Âu đề ra biện pháp là từ nay đến tháng 6 năm 2012, các ngân hàng châu Âu sẽ phải nâng phần vốn “cứng” tự có (vốn riêng, lãi cổ phiếu không phân chia cho cổ đông) lên 9% thay vì 5% như hiện nay.

Nội dung khác trong kế hoạch cứu khu vực đồng euro là tăng cường FESF. Hiện tại, Quỹ có thể huy động được 440 tỷ euro. Tuy nhiên, các nước châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận chi tiết về hồ sơ này. Những ngày qua, giới chuyên gia nói đến việc huy động vốn và bảo lãnh của các nước bên ngoài châu Âu, các nước mới trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc  rất quan tâm đến sự ổn định và thịnh vượng của EU. Hơn nữa, nhóm 27 nước châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu, cũng như thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, được ước lượng khoảng 3.200 tỷ USD (60% dự trữ ngoại tệ thế giới), mà cho tới nay chủ yếu được giữ bằng USD. Hiện Trung Quốc chưa xác nhận là nước này sẵn sàng, cùng với các nước đang trỗi dậy khác, tham gia vào FESF, mà các lãnh đạo châu Âu đã quyết định nâng vốn lên thành 1.000 tỷ euro. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắn đi một số tín hiệu, khi tuyên bố, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, rằng Trung Quốc “ủng hộ các biện pháp của EU để đối phó khủng hoảng tài chính”. Để tiếp nhận nguồn vốn từ các nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, các lãnh đạo khu vực đồng euro dự trù thành lập một quỹ đặc biệt, dựa vào IMF. Theo nhật báo Financial Times số ra ngày 29-10, Trung Quốc có thể đầu tư từ 50 đến 100 tỷ USD vào FESF hoặc vào quỹ đặc biệt nói trên. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc tuyên bố là họ chờ biết thêm chi tiết về hoạt động của cơ chế mới trước khi chính thức cam kết trợ giúp châu Âu.

Tuy nhiên, dự án nhờ Trung Quốc trợ giúp khu vực đồng euro đã bắt đầu gặp nhiều chỉ trích từ chính giới châu Âu, do những nguy cơ về mặt tài chính cũng như về mặt biểu tượng của dự án này. Tại Pháp, cánh tả lo ngại là châu Âu sẽ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Xã hội François Hollande đặt câu hỏi: “Làm sao có thể nghĩ rằng Trung Quốc trợ giúp vùng euro mà không đặt điều kiện gì?”. Đối với nghị sĩ châu Âu thuộc đảng bảo vệ môi trường Daniel Cohn-Bendit: “Chúng ta đã quyết định tự trói chân, trói tay vào các nước đang trỗi dậy”.

Thật ra thì sự trợ giúp của Bắc Kinh chẳng có gì là mới mẻ, vì hiện giờ Trung Quốc đã nắm trong tay tổng cộng hơn 500 tỷ euro nợ công của châu Âu. Nợ của Mỹ mà Bắc Kinh đầu tư vào còn lớn hơn rất nhiều. Nhưng sự lo ngại của châu Âu không phải là không có lý khi mà những nguy cơ  tiềm ẩn về sự lệ thuộc về nhiều mặt vào Trung Quốc ngày càng tăng lên nhanh chóng. Bởi vậy, châu Âu đang lâm vào thế vừa nỗ lực cứu nguy khu vực đồng euro, nhưng cũng kèm theo đó là sự lo âu khi có bàn tay can thiệp từ bên ngoài.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.