Cùng với sự tác động của tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu không ổn định, cũng như thiên tai lũ lụt lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua tại Đông Nam Á, đã làm cho nhịp độ phát triển kinh tế của các nước Đông Nam Á chậm lại đáng kể.
Đối với Thái Lan, nước lũ đã tràn ngập nhiều vùng trong cả nước. Đặc biệt là thủ đô Bangkok, nước bắt đầu dâng lên, có thể kéo dài trên 40 ngày, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho đời sống và sản xuất của nước này. Nhiều ngành công nghiệp bị đình trệ, thậm chí nước lũ đã ngập các khu công nghiệp lớn, thiệt hại hàng tỷ USD. Trên 80% trong số 76 tỉnh của Thái Lan đã bị ảnh hưởng với trên 900 nhà máy công nghiệp và nông trại bị ngập. Bộ trưởng Tài chính Thái Lan gần đây cho biết, thiên tai lũ lụt ở miền Bắc, miền Trung Thái Lan đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 3,9 tỷ USD; do ảnh hưởng của lũ lụt, mức tăng kinh tế năm nay của Thái Lan có thể bị giảm từ 1% đến 1,7%. Đây là con số thiệt hại vô cùng lớn của nước này, tiếp theo sau những đình đốn do khủng hoảng chính trị kéo dài từ năm 2006 gây nên.
Chính phủ Philippines cũng do hứng chịu nhiều cơn bão và lũ lụt nghiêm trọng tại thủ đô Manila và các vùng trong cả nước nên mới đây ra tuyên bố, sẽ hạ dự báo mức tăng kinh tế năm nay và sang năm lần lượt từ 5-6% và 5,5%-6,5% xuống còn 4,5-5,5% và 5-6%.
Còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Campuchia Keat Chhon tuần trước cho biết, Chính phủ sẽ hạ dự báo mức tăng kinh tế năm nay từ 7% xuống còn 6% bởi những tác động của lũ lụt gây ngập úng nhiều vùng.
Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore hạ dự báo mức tăng xuất khẩu năm nay của Singapore, mức tăng xuất khẩu sản phẩm phi dầu mỏ của nước này từ 8-10% xuống còn 6-7%.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia gần đây chỉ rõ, kinh tế Indonesia không thể không chịu tác động của tình hình kinh tế châu Âu và Mỹ, bởi vậy cần cảnh giác và áp dụng biện pháp cần thiết, cố gắng giảm tới mức thấp nhất tác động của nhân tố bên ngoài đối với kinh tế Indonesia. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mức tăng kinh tế năm nay của Indonesia có thể từ 6,5% hạ xuống còn 6,3%.
Trong khi đó, tuy đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, thủy điện, v.v... ở các nước Lào, Myanmar... không ngừng tăng lên, cũng như dưới sự thúc đẩy mạnh của xuất khẩu khoáng sản, nông sản, kinh tế 6 tháng đầu năm giữ đà tăng lên, nhưng do tác động của tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu, thiên tai xảy ra liên tiếp trong khu vực, phát triển kinh tế quốc dân 6 tháng cuối năm của các nước này vẫn không thể thoát khỏi tác động mặt trái mang tính toàn cầu.
Một điểm khác không kém phần quan trọng khi Cơ quan Lương nông LHQ (FAO) ngày 25-10 cho hay có thể xảy ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại nhiều vùng ở Đông Nam Á, do lũ lụt tàn phá mùa màng và gây cản trở công tác viện trợ nhân đạo. Báo cáo của FAO cho hay, lũ lụt đã làm hư hại 12,5% diện tích trồng lúa tại Thái Lan 6% ở Philippines, 12% ở Campuchia, 7,5% ở Lào và 0,4% tại Việt Nam. Lũ lụt có thể giảm thiệt hại 6 triệu tấn gạo trong năm nay của Thái Lan, khiến sản lượng của vụ mùa chính chỉ còn 19 triệu tấn. Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với dự báo chiếm đến 31% tổng sản lượng toàn cầu năm nay (6 triệu tấn). Còn các trận bão vừ qua tại Philippines đã làm nước này thiệt hại gần 600.000 tấn gạo.
LHQ cho biết đang theo dõi sát nguy cơ này để kịp thời đối phó. Văn phòng Điều phối Công tác nhân đạo LHQ (OCHA) cho biết, số tử vong vì lũ lụt tại các quốc gia Đông Nam Á trên 700 người và có hơn 18 triệu người bị ảnh hưởng. Phát biểu mới đây tại Geneva, Thụy Sĩ, bà Elisabeth Byrs - người phát ngôn của OCHA cho biết một đội Phối hợp và đánh giá thảm họa của LHQ (UNDAC) đã sẵn sàng triển khai ở các nước bị ảnh hưởng nếu được yêu cầu. Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng đã đề nghị hỗ trợ Chính phủ Thái Lan trong việc đối phó với tình trạng lũ lụt.
NGUYÊN CHÂU