.

Thanh trừng

Hãng tin Reuters vừa phát đi một thông tin được dư luận Mỹ và quốc tế hết sức quan tâm. Theo đó, các quan chức Mỹ cho hay, các chiến binh Hồi giáo cực đoan là công dân Mỹ như Anwar al-Awlaki đã bị một ủy ban bí mật gồm các quan chức cấp cao của Chính phủ đưa vào danh sách để giết hay bắt giữ. Căn cứ vào hành vi của từng đối tượng, Ủy ban này sau đó sẽ thông báo cho Tổng thống Mỹ các quyết định của mình.

Các nguồn tin cho hay ủy ban trên trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng. Hiện chưa có bất kỳ đạo luật nào cho phép việc thành lập hay định ra các quy định cho hoạt động ủy ban, song chính ủy ban này đứng sau quyết định liệt al-Awlaki, một nhà truyền giáo cực đoan sinh ra tại Mỹ có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, vào danh sách thủ tiêu. Al-Awlaki đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Yemen hôm 30-9 vừa qua. Giới tình báo Mỹ cáo buộc al-Awlaki dính líu đến hàng loạt âm mưu tấn công nước Mỹ.
 
Thủ phạm vụ bắn giết làm 13 người thiệt mạng ở căn cứ quân sự Fort Hood tại Texas năm 2009 là Nidal Malik Hasan khai đã từng trao đổi ít nhất 18 thư điện tử với al-Awlaki. Hung thủ Umar Farouk Abdulmutallab, kẻ giấu bom trong quần lót trong vụ đánh bom bất thành máy bay Hãng Northwest Airlines ở Detroit ngày 25-9-2009, cũng từng liên lạc với al-Awlaki. Trong một cuộc phỏng vấn phát trên Đài truyền hình Arab Al-Jazeera hồi tháng 2-2010, al-Awlaki thừa nhận đã giảng dạy cho Abdulmutallab. Hung phạm Faisal Shahzad, kẻ âm mưu đánh bom quảng trường Thời Đại ở New York hồi tháng 5-2010, cũng khai al-Awlaki là “nguồn cảm hứng” của mình.
 
Một số nguồn tin tình báo xác định Shahzad đã liên lạc với al-Awlaki qua Internet. Các quan chức tình báo Mỹ và Anh cũng cho rằng al-Awlaki là kẻ chủ mưu vụ chuyển bom qua đường máy bay từ Yemen sang Chicago hồi tháng 10-2010. Cùng bị giết trong vụ không kích hôm 30-9 còn có  Samir Khan, một công dân Mỹ gốc Pakistan. Khan là biên tập viên của tờ tạp chí tiếng Anh trên mạng của Al-Qaeda mang tên Inspire (Tạo nguồn cảm hứng). Khan sinh ra và lớn lên ở New York, từng tuyên bố Khan “tự hào vì là kẻ phản bội đất nước Mỹ”. Vụ tiêu diệt al-Awlaki và Khan đã làm dấy lên cuộc tranh luận tại Mỹ về tính hợp pháp của việc “tử hình” công dân Mỹ mà không cần thông qua bất cứ một phiên tòa xét xử nào.

Hiện chưa rõ vai trò của Tổng thống Barack Obama trong việc ban hành và thông qua các quyết định nhằm vào công dân Mỹ như thế nào. Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor đã từ chối bình luận về thông tin trên.

Liên hiệp Tự do dân sự Mỹ (ACLU) lên tiếng cáo buộc vụ sát hại al-Awlaki và Khan đã vi phạm luật pháp Mỹ và quốc tế. Ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012 của Đảng Cộng hòa là hạ nghị sĩ Ron Paul cũng chỉ trích Tổng thống Obama là đã “ám sát” al-Awlaki. Ông Ron Paul cho rằng lẽ ra chính quyền Washington cần phải đưa al-Awlaki ra xét xử ở tòa án Mỹ. Giáo sư luật quốc tế Mary Ellen O’Connell thuộc ĐH Notre Dame cho rằng cuộc tiêu diệt ông trùm Al-Qaeda Osama Bin Laden là đúng luật, nhưng việc giết hại al-Awlaki không phù hợp với hiến pháp Mỹ, bởi al-Awlaki là công dân Mỹ, do đó phải được hiến pháp Mỹ bảo vệ.

Trong khi đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair khẳng định chính quyền Washington có quyền giết công dân Mỹ ở nước ngoài nếu họ đe dọa an ninh Mỹ. Ba yếu tố mà Nhà Trắng biện minh cho hành động giết hại công dân mình là: al-Awlaki đe dọa sinh mạng công dân Mỹ vì có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố trước đó; al-Awlaki chiến đấu cùng kẻ thù Mỹ là Al-Qaeda; và do tình trạng hỗn loạn ở Yemen, việc bắt giữ al-Awlaki là không khả thi.

Các nhà quan sát cho rằng  việc Nhà Trắng lập danh sách các công dân nước mình để  thanh trừng  sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng  nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Mỹ và Công ước quốc tế. Nó cũng giống như một số chương trình bí mật trước đây mà chính quyền G.W.Bush đã làm như nghe lén điện thoại công dân Mỹ và nước ngoài, bắt các nghi can khủng bố giam giữ trái phép và không bị  đưa ra xét xử …đã bị dư luận Mỹ và quốc tế lên án kịch liệt.

Nguyên Châu
;
.
.
.
.
.