Dưới tiêu đề nói trên, nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp) số ra ngày 26-10 đã có bài điều tra “Những ngôi sao nhạc K-Pop phục vụ cho các tham vọng của Hàn Quốc” khá thú vị khi cho rằng: Sau khi Hollywood dùng phim ảnh để bán “Giấc mơ của Mỹ” cho toàn thế giới, nay đến phiên công nghiệp giải trí Hàn Quốc dùng nghệ thuật văn hóa để phục vụ cho các tham vọng thương mại. Nhờ vào các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc mà Hàn Quốc thu hút thêm khách du lịch, rao bán thêm nhiều hàng hóa, sản phẩm cho các nước.
Theo nhật báo Les Echos, một trong những trường hợp điển hình là từ vài năm nay, làng nhạc pop Hàn Quốc (K-Pop) gây được nhiều tiếng vang lớn tại châu Á và Trung Đông và đã tạo cho đất nước này một hình ảnh khác ở nước ngoài. Hiện tượng văn hóa này là một cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách thâm nhập vào các thị trường cho đến giờ vẫn được xem “khó tính” nhất. Nhật báo kinh tế Les Echos viết: Nếu như tại châu Âu, hầu như không ai biết đến các ban nhạc như “Girls Generation, Super Junior hay các diễn viên Bae Yong-joon và Song Hye-kyo, thì họ là những thần tượng của giới trẻ tại Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và gần đây nhất là vài nước Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran…”.
Theo Les Echos, Hàn Quốc đã bắt đầu tung các sản phẩm văn hóa từ giữa những năm 2000. Nhưng mãi đến năm 2006, các ban nhạc hay các nghệ sĩ này mới thật sự nổi đình nổi đám trong khu vực và soán ngôi hoàn toàn các nghệ sĩ trong nước. Kể từ đó, doanh thu từ các đĩa CD, DVD và các trò chơi điện tử Hàn Quốc tăng đều đặn. Riêng trong năm nay, con số này đã tăng lên đến 14%, đạt 3,8 tỷ USD. Dẫn nhận định của một nhà cựu ngoại giao Hàn Quốc, nhật báo Les Echos viết: Nếu Hollywood kiểm soát khoảng 30% công nghiệp văn hóa thế giới, thì Hàn Quốc chiếm khoảng 5%.
Cũng theo nhà ngoại giao này, hiện tượng “Hàn lưu” (Làn sóng Hàn Quốc- như cách gọi của vị ngoại giao này), đã tạo cho Hàn Quốc một bộ mặt mới trên sân khấu quốc tế. Để tranh thủ cảm tình của công chúng, Hàn Quốc lấy cảm hứng từ các chương trình sản xuất âm nhạc Nhật Bản và phim truyền hình Mỹ. “Hàn lưu” đã thành công trong việc kết hợp giữa văn hóa châu Á và phương Tây. Sở dĩ Hàn Quốc có nhiều bộ phim gây được tiếng vang là vì họ biết tôn trọng văn hóa của nước đó. Thường thì các nhân vật trong phim được giới thiệu với những đường nét gần như là châu Âu nhưng lại trang phục theo mốt đời mới nhất trong khung cảnh một Seoul cực kỳ hiện đại. Trái với những cảnh bạo lực hay quá phóng đãng của phim Mỹ, phim Hàn Quốc đáp ứng được thị hiếu của công chúng ở Bắc Kinh hay ở Tehran.
Điều đáng chú ý là nhờ vào làn sóng “Hàn lưu” mà ngành du lịch Hàn Quốc phát triển mạnh. Năm 2010, Hàn Quốc thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của bộ phim truyền hình “Bản tình ca mùa đông” (Winter Sonata). Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc, đứng trước Hồng Kông và Ma Cao. Không những thế, Hàn Quốc còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm.
Nhật báo Les Echos còn cho biết, với mục tiêu dùng nghệ thuật văn hóa để phục vụ cho các tham vọng thương mại, các nhà sản xuất mỹ phẩm Hàn Quốc là những người đầu tiên thu lợi nhiều nhất nhờ vào làn sóng văn hóa này. Với chiến lược tài trợ cho chương trình phát sóng các phim truyền hình Hàn Quốc trên các đài truyền hình của nhiều nước, Hàn Quốc dần dần đã đưa các thương hiệu hàng hóa của mình ra nước ngoài : từ mỹ phẩm cho đến hàng điện tử, điện thoại di động thông minh và xe hơi...
Với những vấn đề mà bài viết “Những ngôi sao nhạc K-Pop phục vụ cho các tham vọng của Hàn Quốc” do nhật báo Les Echos đăng tải đã gợi mở cho chúng ta nhiều điều rất đáng quan tâm suy nghĩ. Vì trên thực tế, “Làn sóng Hàn Quốc” cũng đã diễn ra ở nước ta thông qua hàng loạt phim ảnh tài trợ trên các đài truyền hình, giao lưu nghệ thuật của các ngôi sao điện ảnh, thể thao và cùng với nó là nhiều sản phẩm được tung ra thu hút lượng khách hàng khá lớn.
NGUYÊN CHÂU