.

Dịch chuyển với châu Á - Thái Bình Dương

“Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương”, khẳng định của Tổng thống Barack Obama ngay trước thềm Hội nghị cấp cao các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tại đảo Bali của Indonesia minh chứng sự dịch chuyển đối ngoại của Mỹ. Trước đó, Chính phủ của ông Obama cũng từng tuyên bố: Mỹ không những là cường quốc Đại Tây Dương mà còn là cường quốc Thái Bình Dương.
 
Tại Bali, ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tham dự EAS - sự kiện đưa Đông Nam Á và Mỹ, Úc, New Zealand cùng Nga xích lại gần nhau. Với ông, châu Á hội tụ cả thách thức an ninh lẫn cơ hội kinh tế. Trong đó, khu vực đang nổi lên này vừa là thị trường rộng lớn, vừa mang lại việc làm cho người Mỹ, vừa giúp Washington kiềm chế ảnh hưởng và sự trổi dậy của Trung Quốc. Xuất khẩu của Mỹ đến Thái Bình Dương năm 2011 nhiều hơn đến châu Âu, và tạo ra 850.000 việc làm. Vì vậy, người đứng đầu Nhà Trắng không ngần ngại khẳng định: Châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong định hình tương lai của thế giới.

Chưa bao giờ các nhà chức trách Mỹ lại đề cập đến vai trò của châu Á - Thái Bình Dương nhiều như thời gian qua. Điều này dự báo rằng, Mỹ sẽ hướng về châu Á hơn châu Âu, hay Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thậm chí mô tả đây là thế kỷ mới giữa Mỹ với châu Á và đã đến lúc để Washington định hình lại vị trí của mình trong bối cảnh thế giới mới. 

Giới quan sát cho rằng, Mỹ muốn đặt trọng tâm chiến lược vào khu vực Đông Á. Tại Hội nghị EAS vào ngày 19-11, ông Obama sẽ không bỏ lỡ cơ hội tuyên bố về các cam kết của Washington, nhất là với 2 người đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như lên tiếng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Trong quá khứ, Mỹ dựa vào NATO để bố trí trọng tâm chiến lược toàn cầu. Và nay, một “phiên bản NATO mới” cũng có thể được xây dựng tại châu Á - cụ thể là tại Đông Á, khi Mỹ không hề muốn chứng kiến sự vươn vai của Trung Quốc, đồng thời khiWashington đang xúc tiến rút hết binh sĩ khỏi Iraq, giảm dần chiến dịch ở Afghanistan, nghĩa là sự tập trung tại Trung Đông và Nam Á không còn nữa.

Một số đối tác của Mỹ đã hoan nghênh sự hiện diện của cường quốc này tại EAS, xem đây là cơ sở tạo sự đối trọng với Trung Quốc, đặc biệt trong các tranh chấp về lãnh thổ. Tất nhiên, Trung Quốc phản đối sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và khăng khăng kêu gọi đàm phán song phương với mỗi quốc gia liên quan.

Điều châu Á đang cần là một cấu trúc hòa bình đa phương, hoặc một hệ thống đồng minh quân sự chiến lược với mục tiêu trên hết là hòa bình, ổn định và phát triển. Sự tham gia của Mỹ tại Đông Á cũng là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho khu vực này. 

VĨNH AN
;
.
.
.
.
.