Cuộc khủng hoảng nợ công đã đẩy nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Italia, Bồ ĐồNha, Tây Ban Nha vào tình trạng khốn khó nặng nề. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã có không ít các Hội nghị Thượng đỉnh để tìm các biện pháp giải cứu cho một số nước thoát khỏi vỡ nợ, đưa khu vực đồng euro (Eurozone) trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh những tiềm lực nội tại thì châu Âu cũng rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tiền tệ quốc tế và một số nước, trong đó nổi lên là Trung Quốc.
Sau những tính toán, Bắc Kinh đã lên tiếng sẽ trợ giúp châu Âu để giải cứu nguy cơ vỡ nợ của một số nước. Ông Lý Đạo Quỳ, thành viên Ủy ban Chính sách Tài chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trả lời nhật báo Pháp Le Figaro hôm 3-11 đã xác định rằng Bắc Kinh có thể hỗ trợ vùng đồng Eurozone đến mức 100 tỷ USD, thế nhưng châu Âu cần phải thỏa mãn một số điều kiện. Nhân vật Trung Quốc còn nhắc thêm là : “Nếu Trung Quốc đầu tư và ủng hộ châu Âu, thì không phải là điều quá đáng khi Trung Quốc yêu cầu châu Âu thông cảm hơn với những quyền lợi của Trung Quốc”?! Nhưng theo nguồn tin của các nhà quan sát kinh tế, Trung Quốc đã đưa ra những điều kiện rất cụ thể để châu Âu có thể nhận được sự trợ giúp của nước này. Trong đó có ba điều kiện chủ yếu như sau:
Một là, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, châu Âu đã tiến hành cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh. Qua nhiều lần thảo luận cấp cao, Trung Quốc muốn châu Âu phải bỏ lệnh cấm này, nhưng hiện vẫn chưa được chấp nhận. Nay Bắc Kinh đưa ra như là một điều kiện đầu tiên cho việc trợ giúp châu Âu để giải quyết nợ công.
Hai là, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh, Bắc Kinh yêu cầu châu Âu chấp nhận nền kinh tế nước này là nền kinh tế thị trường. Nếu đạt được nhân tố này thì hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường châu Âu sẽ mạnh mẽ hơn, ít bị rào cản và thuế quan cũng giảm đáng kể.
Ba là, vấn đề tỉ giá và cán cân thanh toán, lưu thông của đồng nhân dân tệ. Qua nhiều cuộc thảo luận, trước mắt châu Âu cũng chưa đồng ý để đơn vị tiền tệ Trung Quốc tham gia vào nhóm tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với lý do là châu Âu và Mỹ lo ngại việc mở rộng quyền rút vốn đặc biệt của IMF cho Trung Quốc thì sẽ làm suy yếu vị thế của đồng USD và qua đó làm giảm ảnh hưởng của cả châu Âu lẫn Mỹ trên bàn cờ tài chính quốc tế.
Có lẽ ý thức được rằng nếu chấp nhận các điều kiện do Trung Quốc đưa ra thì sẽ bị lệ thuộc rất nhiều và có khả năng tạo những nguy cơ tiềm ẩn khác nên châu Âu đã chính thức lên tiếng bác bỏ sự mặc cả của Trung Quốc để đổi lấy sự hỗ trợ về tài chính đối với khu vực đồng Eurozone. Theo hãng tin Reuters ngày 12-11 dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu xin được giấu tên cho hay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã rất bực mình về những mặc cả của Trung Quốc và quan chức này tuyên bố rằng khối Eurozone không bắt buộc phải năn nỉ Bắc Kinh tài trợ. Chỉ cần quyết tâm về mặt chính trị là khu vực đồng Eurozone có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Có lẽ vì thế mà châu Âu, nhất là các nước đang bị khủng hoảng nợ công như Hy Lạp và Italia đã tập trung mọi nỗ lực giải quyết tình hình. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã chính thức tuyên bố từ chức và người thay thế ông là cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Lucas Papademos, đứng đầu chính phủ liên minh mới và gánh trọng trách chèo lái con thuyền Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công trầm trọng hiện nay. Phát biểu sau khi được chỉ định làm thủ tướng lâm thời, ông Papademos cho rằng nền kinh tế Hy Lạp đang đối mặt với những vấn đề lớn và ông kêu gọi đoàn kết, hợp tác để giải quyết những vấn đề này nhanh chóng. Theo ông Papademos, tư cách thành viên Eurozone của Hy Lạp bảo đảm sự ổn định về mặt tiền tệ cho đất nước này và sẽ giúp quá trình điều chỉnh kinh tế đầy khó khăn trở nên dễ dàng hơn.
Trong khi đó, tối 12-11 (tức rạng sáng 13-11 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này, Giorgio Napolitano, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới nhằm chèo lái đất nước Italia thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và nhiều khả năng sẽ chỉ định cựu Ủy viên châu Âu Mario Monti làm người kế nhiệm. Trước đó, với tỷ lệ 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Hạ viện Italia (gồm 630 ghế) đã chính thức thông qua Dự luật ổn định tài chính, trong đó có một loạt biện pháp cải cách kinh tế mà Chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đã cam kết với Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng trước.
Cho nên, khi châu Âu bác bỏ các điều kiện mà Trung Quốc đưa ra và đang tìm cách khác giải cứu, nếu thành công thì quan hệ giữa Bắc Kinh với EU sẽ trở nên “lạnh lùng” như những gì đã diễn ra.
Nguyên Châu