Vấn đề Biển Đông trở nên nóng tại diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (ASEAN) và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với các đối tác tổ chức tại Bali (Indonesia) ngày 18 đến 19-11.
Sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với lãnh đạo ASEAN bàn về sự hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực, nâng quan hệ lên tầm chiến lược, mà tâm điểm là vấn đề Biển Đông. Đây là dịp để Mỹ khẳng định một lần nữa sự hiện diện tại khu vực, trong bối cảnh nhiều thành viên ASEAN bị Trung Quốc chèn ép trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là diễn đàn "hàng đầu" để thảo luận về những mối quan ngại liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải.
Quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông đã từng chi phối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ nhất ở Singapore vào năm 2009, được nêu bật tại Hội nghị lần 2 tại New York vào năm ngoái, và năm nay lại càng nổi bật hơn nữa sau một loạt hành động của Trung Quốc, mà mới đây gián tiếp bị Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi là hành vi hù dọa. Còn theo Đô đốc Robert Willard, người đứng đầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, thì Biển Đông là nơi có 12 nghìn tỷ USD trao đổi thương mại của Mỹ qua lại hằng năm là “một lợi ích sống còn đối với khu vực, một lợi ích quốc gia của Mỹ,... một khu vực mà Mỹ phải duy trì hòa bình và an ninh hàng hải, không để cho tranh chấp khu vực làm gián đoạn”.
Từ những động thái đó, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng các vấn đề Biển Đông là do các bên liên quan tự giải quyết và Trung Quốc không hề có ý định bành trướng! Hơn thế, ông Ôn Gia Bảo đã không ngần ngại khi tuyên bố: “Các lực lượng từ bên ngoài không nên viện bất kỳ một lý do nào để can thiệp”. Trong một cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phản ứng ngay lập tức cho rằng tranh chấp Biển Đông là một vấn đề riêng của khu vực. Hàm ý của Ôn Gia Bảo là muốn ám chỉ đến Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... không được có những hành động can thiệp nào vào khu vực Biển Đông!
Cùng ngày, tờ Nhân dân nhật báo, cho rằng đưa quá nhiều các vấn đề chính trị và an ninh ra thảo luận tại thượng đỉnh Đông Á, đặc biệt là khi có liên quan đến các vụ tranh chấp, sẽ không có lợi cho bất kỳ một kế hoạch hợp tác nào. Trái lại, theo Nhân dân nhật báo, điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng “căng thẳng trong khu vực leo thang”!
Đáng chú ý hơn, xã luận của tờ thời báo Hoàn Cầu (phụ trang của tờ Nhân dân nhật báo) số ra ngày 18-11 không giấu giếm khi lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng châu Á về nguy cơ sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế nếu các nước đó được Mỹ yểm trợ trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Đe dọa, gây hấn là con bài lâu nay chỉ có Mỹ và phương Tây hay sử dụng để thực hiện chính sách ngoại giao “cậy gậy và củ cà-rốt” đối với phần còn lại của thế giới, nhưng nay Trung Quốc, một quốc gia đang trỗi dậy, có nền kinh tế phát triển nhanh, lại lên giọng răn đe khi nói đến quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á nói chung, ở Đông Nam Á nói riêng.
Đây là hành động lỗi thời, không thể nào chấp nhận được đối với một thế giới đang phát triển theo xu hướng đa cực. Đồng thời nó cũng không phù hợp với tiến trình hợp tác và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới đã được khẳng định tại diễn đàn của LHQ và các diễn đàn quốc tế khác.
NGUYÊN CHÂU